Phòng dịch bệnh do virus Corona, Hà Nội phun khử trùng 3.000 trường học
- Lên phương án đặc biệt để ứng phó với bệnh dịch viêm phổi cấp
- Bộ Công an chỉ đạo phòng, chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra
Sáng ngày 30-1, ngày làm việc chính thức đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, trước diễn biến vô cùng phức tạp dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp về phòng chống dịch với sự tham gia của lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã. Trong phiên họp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình, kết qủa triển khai và thống nhất những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh nếu có dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến ngày 30-1, thế giới đã ghi nhận 7.711 trường họp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (mỗi ngày tăng thêm hơn 1.000 trường hợp mắc), trong đó có 169 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo dịch ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, trên cả nước, tính đến ngày 30-1 đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh, là 2 cha, con người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mắc bệnh tại Nha Trang và được cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Hiện tại cả 2 bệnh nhân đều đã hết sốt, tình trạng sức khỏe ổn định, 1 người đã khỏi bệnh (kết quả xét nghiệm lại đã âm tính với nCoV).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp. |
Tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Có 14 trường hợp nghi ngờ (có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về), nhưng hiện sức khỏe của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng, trong đó 3 trường hợp đã khỏi bệnh, hết các triệu chứng, 1 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm. Ông Hạnh cho biết, 60 người tiếp xúc gần với 14 người này cũng đã được lập danh sách theo dõi sức khỏe. Hiện những người này chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng thông tin, một trong những khó khăn hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa cấp mồi thử chuẩn cho Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nên Việt Nam phải xét nghiệm kiểu loại trừ, 3 - 4 ngày mới có kết quả. “Nếu có mồi chuẩn thì sẽ có kết quả trong 6 tiếng. Nay, mai, WHO sẽ cấp cho Việt Nam. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona có khả năng lây lan thành dịch tại cộng đồng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống”, ông Hạnh cho biết.
Hiện nay với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển; Bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu; Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, kết quả đánh giá nguy cơ của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho thấy đây là dịch có khả năng lây lan thành dịch tại cộng đồng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
Đặc biệt, với Hà Nội, có nguy cơ bệnh xâm nhập thông qua khách du lịch, người lao động về từ vùng có dịch, do vừa qua kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Thêm vào đó, khí hậu mùa xuân ẩm lạnh cũng thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Cho đến thời điểm này, bệnh vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, mới chỉ có các biện pháp phòng bệnh dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Hiện nay, ngoài việc giám sát chặt chẽ những người nhập cảnh qua Nội Bài, Hà Nội cũng đang triển khai các biện pháp kiểm soát các cơ sở lưu trú để hạn chế thấp nhất khả năng lây lan bệnh. Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nhận định, với việc mỗi ngày 3.000 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc, công tác phòng chống dịch đã được triển khai rất chủ động, vì xác định sớm muộn gì dịch cũng xâm nhập vào Việt Nam.
Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Corona. |
“Dù chưa ghi nhận trường hợp nào của Hà Nội nhiễm bệnh, nhưng nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch là rất cao, vì đây là điểm tụ của tất cả các tỉnh phía Bắc. Đây là bệnh rất mới, nghĩa là không ai có miễn dịch. 100% chúng ta có nguy cơ mắc bệnh, trong khi hiểu biết về nó còn hạn chế. Do đó, sự tham gia của từng người dân là rất quan trọng trong việc chống dịch”, ông Cảm nhấn mạnh thêm. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế túc trực 24/7, kiểm soát chặt chẽ sân bay Nội Bài. Chính quyền các phường, xã đi kiểm tra từng nhà hàng trên địa bàn, cấm việc mua bán tất cả động vật hoang dã, nhất là vùng ngoại thành, những vùng đang có lễ hội như chùa Hương.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo phải triệu tập tất cả hiệu trưởng các trường để phổ biến việc rửa tay cho học sinh. Đáng chú ý, ông Chung cũng yêu cầu phun khử trùng cho tất cả 3000 trường học trên địa bàn với tinh thần “không tiếc gì cả”, do trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Việc phun khử trùng phải được thực hiện xong trong ngày thứ 7 và chủ nhật này, tranh thủ lúc học sinh nghỉ học. Ngoài việc phát tờ rơi phổ biến thông tin về dịch bệnh đến từng nhà, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu triển khai phun khử trùng cho các gia đình có yêu cầu.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu tất cả các quận, huyện của Hà Nội thành lập tổ kiểm tra các cơ sở có công nhân Trung Quốc đang làm việc (đơn cử công trường nhà máy xử lý rác tại Sóc Sơn), hướng dẫn phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện bệnh.
Ngày 30-1, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã ký văn bản gửi các Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Đặc biệt, các nhà trường tăng cường giáo dục để mỗi học sinh trở thành “một chiến sĩ nhỏ” trong việc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng. Theo đó, các đơn vị, trường học có trách nhiệm hướng dẫn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường hạn chế đến các khu chợ bán đồ tươi sống, những nơi tụ tập đông người; thực hiện việc ăn chín, uống sôi; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Trong trường hợp phải tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất nên che miệng và mũi bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Các nhà trường thực hiện việc theo dõi sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên hằng ngày, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo; thông báo cho tất cả các trường hợp nếu có triệu chứng sốt thì phải nghỉ học, nghỉ làm việc, đến cơ sở y tế để khám, điều trị và thông tin với nhà trường kết luận của cơ quan y tế. Khi có bệnh xảy ra tại trường học, nhà trường tuyệt đối không được giấu mà phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên và phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý theo quy định. Trong thời gian này, các trường học phải triển khai mạnh hoạt động vệ sinh phòng bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường; thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. |