Phố cổ Hà Nội sau giãn cách xã hội vẫn "ế khách"
Đến thời điểm này đã là hơn nửa tháng kể từ khi giãn cách xã hội kết thúc. Nhịp sống đời thường của người dân với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đang dần trở lại. Nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán trên phố cổ Hà Nội cũng đã rục rịch mở cửa từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các cơ sở bán đồ lưu niệm, quần áo hay vải vóc trên nhiều tuyến phố vẫn đang trong tình trạng rất vắng khách.
Bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1937), chủ một cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc dân tộc trên phố Hàng Gai chia sẻ: “Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi thậm chí không bán được mặt hàng nào. Ở đây, khách Tây hay đến mua là chủ yếu mà giờ không thấy ai. Tôi còn trêu con cháu, có khi mấy ông Tây về nước hết rồi.”
Cửa hàng không có khách sau khi kết thúc đợt giãn cách. |
Cửa hàng của bà Hiền đã có từ 4 đời nay, chuyên bán nhạc cụ như đàn, sáo, trống…Đối tượng chủ yếu đến tham quan, mua hàng là khách nước ngoài. Do đó, khi bệnh dịch bùng phát, cửa hàng phải đóng cửa suốt thời gian dài.
“Cũng may đây là cửa hàng của gia đình tôi, không phải thuê mặt bằng. Hơn nữa, con cháu cũng đi làm công việc khác nên vẫn duy trì được cuộc sống những ngày dịch vừa qua”.
Hiện tại, cửa hàng bà Hiền mới mở được 1,2 ngày nhưng hầu hết không có khách, thậm chí là cuối tuần.
“Vì là cửa hàng truyền thống lâu đời của gia đình nên chúng tôi muốn duy trì chứ không có ý định chuyển sang ngành nghề khác. Nhiều người thời gian qua hỏi thuê địa điểm nhưng tôi không đồng ý. Sáng mở, tối đóng, trông cả vào khách Tây thôi”, bà Hiền tâm sự.
Thường xuyên phải đóng cửa vì không có khách. |
Cũng giống như cửa hàng của bà Hiền, một cơ sở bán quần áo trên phố Lương Văn Can cũng trong tình trạng hẩm hiu không kém.
Trước đó, cửa hàng thâm niên 7-8 năm này có đến 90% là khách Tây, lượng bán ra mỗi ngày khá ổn định, đủ để chi trả mặt bằng và thuê 3,4 nhân viên và vẫn có lãi. Thế nhưng, kể từ thời điểm dịch bệnh, nhất là khoảng thời gian giãn cách xã hội, cửa hàng đóng băng hoàn toàn.
“Đóng cửa, không bán hàng nhưng tiền thuê nhà vẫn phải trả. Nhân viên như mình thì chắc chắn không có lương rồi”, anh Hiếu, nhân viên cửa hàng chia sẻ.
Dù đã mở lại từ dịp nghỉ lễ 30/4 nhằm đón khách du lịch thế nhưng cửa hàng vẫn ế ẩm.
Nhân viên ngồi trông cửa hàng khá rảnh tay. |
“Ngày hôm qua không có một khách du lịch nào vào cửa hàng. Người nước ngoài bây giờ ở Việt Nam cũng chỉ vì công việc thôi chứ đâu có ai đi du lịch. Mình chỉ mong cho chóng công bố hết dịch, nhưng dự đoán chắc phải đến cuối năm, phố cổ mới nhộn nhịp khách Tây trở lại”, anh Hiếu cho biết.
Trong số các cơ sở kinh doanh trên phố cổ, trừ quán ăn thì những cửa hàng lưu niệm là nơi tập trung nhiều khách nước ngoài nhất. Ấy thế nhưng, cửa hàng của cô Trần Kim Chi (SN 1958) tại 18 Hàng Gai cũng không khấm khá hơn.
Mặt hàng kinh doanh chủ yếu của gia đình cô là mũ, nón, túi cói, áo dài truyền thống, trang phục thổ cẩm.
“Ngày hôm qua cũng có gần chục khách nước ngoài đến thôi. Nhà tôi chỉ trông chờ vào mỗi cửa hàng này vì mọi người đều về hưu hết rồi. Vậy nên dịch bệnh như vậy, mọi thứ đều ảnh hưởng và hạn chế không nhỏ”, cô Chi cho hay.
Cửa hàng lưu niệm cũng vắng vẻ. |
Trên các tuyến phố Hàng Bông, Hàng Đào, nơi tập trung nhiều cửa hiệu với đối tượng khách nước ngoài là chủ yếu, cũng ghi nhận tình trạng vắng khách, đìu hiu. Thậm chí, nhiều cơ sở vẫn đóng cửa, chưa sẵn sàng mở lại.