“Nóng rẫy” tại Bệnh viện Chợ Rẫy những ngày Tết

Thứ Năm, 02/02/2017, 09:13
Chỉ tính riêng trong ngày mùng 2 Tết Đinh Dậu 2017 (29-1) tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, trong số 28 ca cấp cứu do TNGT, thì đã có tới 10 ca ngay sau khi nhập khoa đã phải phẫu thuật khẩn cấp.

Có những ca ngay sau khi nhập viện được đưa lên bàn mổ chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng để cứu sống bệnh nhân, trong đó, nhiều ca liên quan tới rượu. Thông tin trên được BS CK I- Lê Phước Đại, Trưởng tua trực ngày mùng 3 Tết của Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết.

Trưa mùng 3 Tết (30-1) khi PV Báo CAND có mặt tại nơi này, các bác sĩ vẫn đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhân (BN) T.M.Trọng (ngụ tại phường 5, quận 6, TP Hồ Chí Minh). BN này được đưa vào cấp cứu lúc 16h45 ngày mùng 2 Tết trong tình trạng “lõm sọ trán 2 bên do TNGT”.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi chịu nhiều áp lực nhất trong dịp Tết.

Người nhà cho hay, BN tự bị té xe khi đang sang đường. BS Lê Phước Đại cho biết: “Nhiều trường hợp vì nhiều lí do tế nhị mà người nhà thường khai nguyên nhân BN bị thương do tự té, ngã. Tuy nhiên khi được đưa vào cho thấy có mùi rượu nồng nặc và tình trạng không còn tỉnh táo.

Trường hợp BN trên ngay khi được đưa vào khoa đã được mổ cấp cứu khẩn để đưa BN nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, do vết thương va đập quá mạnh xuống nền đường, gây nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý nhanh, làm sạch hết cát, đất dính bên trong”.

Cũng theo BS Lê Phước Đại, ngày mùng 2 Tết được coi là ngày cao điểm nhất về số ca TNGT nhập viện phải mổ cấp cứu khiến các y bác sĩ tại đây phải chịu một áp lực rất lớn.

Họ đã phải mổ cấp cứu cho 10 trường hợp/28 ca TNGT để kịp thời sứu sống các bệnh nhân. “Trong đó, có những ca chúng tôi phải nhanh chóng mổ cấp cứu, lấy máu bầm cho bệnh nhân, để không làm mất thời gian vàng cứu mạng bệnh nhân”, BS Đại nói.

Ghi nhận số ca mổ cấp cứu trong các ngày 29, mùng 1, mùng 2 đều gia tăng. Cụ thể: ngày 29 Tết có 31 ca; sang ngày mùng 1 là 32 ca và ngày mùng 2 là 26 ca. Theo các BS, do tập trung cao độ cho việc cứu chữa BN nên hầu như việc đo nồng độ cồn trong máu cho các BN bị TNGT nghi ngờ có liên quan tới rượu không thể làm một cách kĩ lưỡng. Nhưng nhiều ca không cần phải đo cũng xác định được, bởi khi được đưa vào có khi dù đã hôn mê sâu nhưng vẫn… sặc mùi rượu.

Có thể kể trường hợp điển hình như: BN N.V.Phát (22 tuổi, ngụ tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp). BN được chuyển vào Khoa Cấp cứu khoảng 3h45 sáng mùng 3 Tết do xe cấp cứu của BV Đa khoa Đồng Tháp chuyển tới. Khi tới đây, BN đã trong tình trạng mê sâu, mạch chậm, huyết áp tụt.

BN trong tình trạng tổn thương lõm sọ trán, rách gan vùng hạ phân thùy 4, dập phổi cả 2 bên, kèm theo gẫy mâm chày chân trái. Cho tới trưa mùng 3 Tết, sau gần 7 giờ đồng hồ, các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa cho BN nhưng tình trạng vẫn rất nặng. BN vẫn phải thở máy và hôn mê sâu.

Theo như người nhà BN, đêm mùng 2 Tết, sau khi đi nhậu ở nhà bạn về, anh Phát đi xe máy một mình đã bất ngờ bị một xe ôtô đụng phải, được người dân đi đường phát hiện và đưa vào BV địa phương, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy.

Một trường hợp điển hình khác như BN T.C.L.Huỳnh (38 tuổi, ngụ tại thị xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). BN này được BV Đa khoa Ninh Thuận đưa tới trong tình trạng tổn thương gãy chân rất thương tâm: gãy hở liên lồi cầu đùi phải, gãy cẳng chân phải, dập nát hoàn toàn bàn chân phải. Người nhà là anh L.C.H.Nhị cho hay, anh Huỳnh khi được phát hiện bị TNGT vào khoảng 11h ngày 30 Tết, trên đường về nhà. Do bị bất tỉnh hôn mê nên được người dân đưa vào BV Đa khoa Ninh Thuận cấp cứu. Do trong người không mang giấy tờ tùy thân nên BV cũng không có cơ sở để liên lạc.

Cho tới 13h ngày mùng 1 Tết, BN này mới tỉnh và nhờ điều dưỡng gọi cho gia đình, sau đó xin chuyển lên BV Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch. Anh H.Nhị kể: “Anh tôi không nhớ mình bị thương trong hoàn cảnh nào. Chỉ biết rằng, khi tỉnh dậy vào trưa mùng 1 Tết tại BV Đa khoa Ninh Thuận, anh tôi cho rằng, tự bị té trên đường”.

BS CK II Trương Thế Hiệp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cũng phân tích: số trường hợp cấp cứu do TNGT có rượu tiếp tục gia tăng trong dịp Tết 2 năm nay. Cụ thể từ ngày 29 Tết đến mùng 2 Tết năm 2016 là 14 ca. Dịp năm nay từ ngày 30 đến mùng 2 Tết là có 7 ca TNGT có rượu (nhưng chưa ghi nhận đầy đủ). Con số BN bị TNGT có rượu năm nay chưa thống kê được hết nhưng cũng cho thấy vẫn là những con số rất đáng lo ngại.

BS Hiệp cho rằng, ý thức tham gia giao thông là điều cơ bản, nhưng có một hoàn cảnh khách quan quyết định tỉ lệ rất lớn khiến gia tăng số ca TNGT nhập viện đó là sự mất tỉnh táo minh mẫn do rượu gây ra. Tết là ngày đoàn viên, không tránh khỏi rượu bia nhưng đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến khoa cấp cứu tại các BV phải làm việc với cường độ cao nhất.

Và đây mới là những cảnh báo của mấy ngày cao điểm, còn sau đó, tình hình khoa cấp cứu có khi còn căng thẳng hơn trong những ngày kế tiếp khi mà rượu bia vẫn còn tuôn “như suối”, khi mật độ giao thông lại dày đặc với lưu lượng người đi lại tăng gấp bội.

Huyền Nga
.
.
.