Nông dân trồng hoa Tết ‘lo sốt vó’ vì thời tiết
Số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) trên địa bàn có khoảng 5.000 hộ dân sản xuất hoa, kiểng trên diện tích 250ha. Mỗi năm, Chợ Lách cung ứng khoảng 10 triệu sản phẩm (hoa kiểng, kiểng hình thú, mai vàng, bonsai…), với 70% sản lượng phục vụ Tết Nguyên đán cho thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.
Người dân tất bật vào vụ hoa Tết. |
“Lo ngại nhất của dân trồng hoa, kiểng là diễn biến thời tiết bất thường và giá cả bấp bênh. Trồng hoa suốt 6 tháng trời, chỉ bán trong ngày Tết nên phải đầu tư trồng nhiều, hàng mà dội chợ sẽ rớt giá, coi như lãnh đủ”, ông Ngô Thành Tạ (ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách) – hộ dân chuyên canh trồng hoa Tết chia sẻ. Hiện 1.000 giỏ cúc mâm xôi của gia đình đang phát triển bình thường, nhưng diễn biến thời tiết những ngày qua khiến ông Tạ lo lắng. “Chỉ cần vài đám mưa, cúc mâm xôi rất dễ bị úng, hư hỏng là trắng tay”, ông Tạ nói.
Phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có 418ha trồng hoa, kiểng phục vụ cho thị trường, với nhiều chủng loại như: cúc mâm xôi, vạn thọ, hoa hồng, hoa ly, hoa hồng leo… Anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông) - chuyên sản xuất hoa hồng 3 màu (hoa hồng đổi màu) cho biết, thời gian gieo trồng khoảng 4 tháng. Năm nay, nắng nóng kéo dài không thích hợp với giống hoa ưa lạnh này nên nụ và hoa phát triển chậm. Còn hộ Huỳnh Văn Tuấn – chuyên trồng cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc Đài Loan thì bộc bạch: “Giờ chỉ chăm bón cho hoa phát triển để có sản phẩm đẹp nhất cung cấp cho thị trường, còn thời tiết năm nay không ổn định nên chưa thể dự đoán”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc lưu ý người dân cần tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết, sự phát triển của vườn hoa nhằm đưa ra cách chăm bón hợp lí vì đây là giai đoạn quyết định sự thành bại của cả vụ. “Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho hoa kiểng, thành phố chủ trương phát triển mở rộng theo hướng tập trung, gắn liền với đầu ra và kết hợp với du lịch… nâng cao đời sống người dân trồng hoa”. Nhiều hộ dân trồng hoa lo lắng, nắng nóng kéo dài trong những ngày qua làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển một số loại hoa kiểng, các loại hoa cúc xuất hiện bệnh vàng lá, đốm lá, thán thư
Ông Nguyễn Văn Lượm (ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy) chia sẻ: “Cái khó của nghề này là yếu tố thời tiết cùng kinh nghiệm xuống giống và xử lý ra hoa đúng vào dịp Tết. Năm nay, nước lũ thấp, người dân đỡ vất vả hơn trong việc cơi nới, làm giàn nhưng thời tiết không được thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên các chi phí đầu vụ như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … tăng 20% chi phí”.
Nhiều hộ dân trồng bưởi Năm Roi (xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) chia sẻ, thời tiết nắng như hiện nay rất thuận lợi cho cây bưởi phát triển, chỉ sợ cận Tết nếu xuất hiện vài cơn mưa là cây bưởi dễ bị bệnh loét, phần thịt chai đi, làm giảm năng suất và giá trị thương phẩm.
Dưa hấu vuông, thỏi vàng có giá rẻ hơn Tết năm nay, ông Trần Thanh Liêm (ngụ ở khu vực 7, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) dự kiến đưa ra thị trường 600 cặp dưa hấu thỏi vàng và 200 cặp dưa hấu vuông, chủ yếu cung ứng cho thị trường phía Bắc và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, ông Liêm chủ động làm trái nhỏ hơn để dễ tiêu thụ và vận chuyển đi xa, giá mỗi cặp dưa dự kiến giảm khoảng 500.000 đồng. Dưa hấu thỏi vàng có in chữ nổi “Tài” hoặc “Lộc” trọng lượng từ 2-2,2kg có giá khoảng 3 triệu đồng/cặp; từ 1,6-17kg có giá 2,5 triệu đồng/cặp. Còn dưa hấu vuông loại 1,7kg có giá 1,1 triệu đồng/cặp. “Tôi mới xuống vụ dưa hấu bán Tết, nếu chẳng may mà mưa xuống thì xem như bỏ vụ vì mưa trong giai đoạn này làm cây bị thối rễ, không sinh trưởng được. Còn nếu gặp mưa trong giai đoạn phát triển thì chất lượng dưa giảm”, ông Liêm nói. |