Nông dân lo lắng vì rau rớt giá

Thứ Năm, 16/01/2020, 06:54
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa đến Tết cổ truyền dân tộc, nhưng nông dân ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, còn đang băn khoăn trước khi thu hoạch vụ rau Đông – Xuân, vì giá rau xuống thấp.


Nhiều chủ rau tại các vùng chuyên canh rau, như Tịnh An, Tịnh Long, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi), cho biết, những năm trước, giá rau ở thời điểm giáp Tết này rất cao, giá mỗi ký xà lách bán tại ruộng từ 3-4 nghìn đồng, nhưng năm nay chỉ còn 1 nghìn đồng; khổ qua từ 20-25 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 3-3,5 nghìn đồng/kg; các loại rau như tần ô, cải thìa, cải ngọt chỉ có giá chưa đến 1 nghìn đồng/kg.

“Bình thường 1 sào xà lách thu về được 3-4 triệu đồng, thêm các loại rau khác nữa gia đình tôi cũng có một khoản tiền kha khá để chi tiêu Tết. Người trồng rau chúng tôi đều trông chờ vào vụ này nhưng năm nay giá rau quá thấp, như thế này thì không đủ tiền giống, tiền phân bón chứ đừng nói tới công chăm sóc”, bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Tịnh Long, than vãn.

Tại vùng chuyên canh rau Tịnh An, nhiều ruộng rau đang bị bỏ héo, vì giá quá thấp không đủ tiền vốn, cũng không thể bỏ tiền thuê nhân công thu hoạch. Nhiều chủ ruộng chấp nhận bán rẻ, nhưng vẫn không có người thu mua vì số lượng rau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang đến mùa thu hoạch quá nhiều.

Người dân tháo bỏ giàn đậu cô ve để trồng cây khác, vì giá bán quá thấp.

“Rau năm nay giá thấp quá mà người mua cũng không có; có người mua thì kì kèo, không mua theo ký mà mua khoán cả ruộng khiến chúng tôi càng thêm khó khăn.Chờ đến Tết thì giá có khả năng lên lại chút ít, nhưng lúc đó thì cây trái chín hỏng hết rồi. Tôi chỉ có thể bỏ rau ngoài ruộng rồi chờ làm vụ cây màu khác mà thôi, chấp nhận lỗ toàn bộ chi phí, công sức đã đầu tư”, ông Mai Văn Hoa (xã Tịnh An) chia sẻ.

Tương tự, vùng chuyên canh rau các xã Đại An, Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nhiều nông dân trồng đậu cô ve cũng đang chấp nhận phá giàn trồng các loại cây khác, hoặc đang cầm chừng để chờ bán giống, vì giá các loại rau, quả cũng rớt thê thảm.

Theo người dân địa phương, năm nay thời tiết khá thuận lợi, trên địa bàn không xuất hiện bão lũ, không mưa lớn nên diện tích trồng và năng suất rau đều tăng hơn hẳn so với mọi năm. Hiện tại, vựa rau đang bước vào giai đoạn thu hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, không có đầu ra khiến giá rớt thảm hại.

Đang cùng vợ tháo bỏ giàn trồng đậu cô ve ở làng rau Bàu Tròn (xã Đại An) để chuyển qua trồng cỏ cho bò, ông Lê Đình Hoàng (trú thôn Phú Phước, xã Đại An) bảo, năm nay gia đình ông trồng 1 sào đậu cô ve để bán Tết, tiền giống và phân hết 2 triệu, chưa kể tiền giàn và công chăm sóc, hy vọng Tết có thêm một khoản thu nhập. Tuy nhiên hiện nay giá đậu cô ve chỉ còn có 2 nghìn đồng/kg, nhưng cũng không có người thu mua nên gia đình ông đành bỏ khô, phá giàn.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại An cho biết, xã Đại An có 800 hộ trồng khoảng 350ha rau, màu các loại, trong đó rau củ quả chiếm từ 150-170ha, mỗi nhà 3-4 sào, có hộ trồng cả 1ha. Tuy nhiên các loại rau củ quả vùng rau Đại An đang rớt giá…

“Do Đại An là vùng thấp lụt, mọi năm mưa nhiều, gieo trồng ít nên được giá. Năm nay thời tiết thuận lợi, phần lớn thời tiết nắng ấm, đồng loạt từ trong nhà ra ngoài đồng đều xuống giống hết, nông sản được mùa. Mà được mùa thì mất giá”, ông Hùng thở dài.

Năm nào nông sản cũng rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến nông dân cứ phải loay hoay trong khó khăn, nhất là hiện nay, khi Tết cổ truyền đang đến gần, việc nông sản rớt giá khiến nông dân khó càng thêm khó. Đây cũng là bài học cho ngành NN&PTNT các địa phương để có giải pháp, hướng dẫn nông dân sản xuất sao cho hợp lý, khoa học để có thu nhập, phát triển đời sống kinh tế gia đình; các ngành chức năng cũng không còn phải loay hoay với việc “giải cứu” nông sản, hỗ trợ nông dân như thời gian qua…

Hà Vy
.
.
.