Nông dân Trà Vinh lỗ nặng vì mía đường giảm giá
- Mía đường quay cuồng trong cơn bĩ cực “cung thừa, giá rẻ”
- Người dân đòi nợ công ty mía đường Sóc Trăng
- Ngành mía đường kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt
- Ngành mía đường lao đao vì hàng nhập lậu
Niên vụ 2018-2019, Trà Cú có gần 3.600 hécta mía thu hoạch, đây là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất Trà Vinh, chiếm khoảng 80%. Liên tiếp nhiều năm, giá mía thấp nên nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Năm nay, diện tích trồng mía của Trà Cú cũng giảm khoảng 500 hécta.
Nông dân chủ yếu lưu gốc, không mặn mà chăm sóc nên năng suất chỉ đạt khoảng 70-85 tấn/hécta, giảm 15-20 tấn/hécta so với những vụ trước. Ông Trang Thanh Vũ, cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: “Nông dân không còn mặn mà với cây mía. Họ bỏ mặc cây mía không chăm sóc, chờ tới ngày thu hoạch được bao nhiêu, hay bấy nhiêu. Trung bình mỗi hécta, nông dân lỗ khoảng 40 triệu đồng”.
Cuối tháng 2-2019, huyện Trà Cú thu hoạch được 1.450 hécta/3568 hécta diện tích xuống giống. Công ty mía đường Trà Vinh tiếp nhận và ép được 70.000 tấn, với tổng giá trị khoảng 56 tỷ đồng.
Nông dân trồng mía than lỗ, muốn chuyển đổi cây trồng. |
Công ty thanh toán 28 tỷ đồng tương ứng 50% giá trị mía, thu mua của các tổ nguyên liệu và nông dân. Giá mía hiện nay đang thu mua là 800 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường, giảm 100 đồng/kg, so với niên vụ trước. Còn chữ đường tăng trên 10, công ty mua tăng thêm 10%/chữ và ngược lại.
Tại khu vực Nhà máy mía đường Trà Vinh – thuộc địa bàn huyện Trà Cú, dọc theo bờ kênh, cả trăm ghe chở mía neo đậu. Phần lớn, các ghe mía chở thuê cho các tổ nguyên liệu hoặc nông dân đến xếp tài, chờ đến lượt vào cân, bán cho nhà máy.
“Năm nay, nông dân trồng mía ai cũng than. Chị chờ 3 ngày nay nhưng chưa tới lượt vào nhà máy cân”, chị Lê Thị Thanh (38 tuổi), chủ ghe chở hơn 30 tấn mía cho tổ nguyên liệu tại xã Lưu Nghiệp Anh nói. “Hỏi 10 người trồng mía, cả 10 người đều than khổ. Ai còn ham trồng mía nữa. Bà con làm quần quật cả năm, thấy thương quá”, chị Đinh Thị Mai (43 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) theo chồng chạy ghe mía, cho biết.
Ghe mía của hai vợ chồng chị đậu cặp bờ kênh, sát nhà máy hơn 3 ngày nhưng cũng chưa đến lượt vào cân. “Năm ngoái, bà con đã than lỗ. Năm nay, còn lỗ nặng hơn”, người phụ nữ này ví von rằng, nếu gả chồng cho con gái chắc chắn không dám gả cho người trồng mía.
Đứng ngoài cánh đồng mía vào chiều 28-2, bà Thạnh Thị Sóc (55 tuổi, ngụ xã Lưu Nghiệp Anh) than: “Một công (1.000m2/công) thu được chưa đến 4 triệu, bán ra lỗ dữ lắm”. Niên vụ mía năm 2018-2019, gia đình anh Bùi Thanh Tùng (43 tuổi), có 3 hécta mía thu hoạch.
Suốt mùa vụ, gia đình ra sức đầu tư, chăm sóc nhưng sản lượng cũng không đạt. “Anh mới thu hoạch 6,5 công, được hơn 23 tấn. Chữ đường đạt 11, nhà máy mua với giá 8.800 đồng nhưng lại bị trừ tạp chất, mỗi tấn khoảng 5%”, anh Tùng nhẩm tính. Mỗi công mía thu hoạch, lỗ khoảng 3 triệu đồng.
Còn bà Cô Thị Năm (62 tuổi) cho biết, năm ngoái gia đình trồng 7 công mía. Sau một năm thu hoạch, lỗ hơn 20 triệu. Niên vụ năm nay, bà Năm không trồng mía mà cho người khác mướn đất nuôi tôm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, mỗi công mía, nông dân thu hoạch và bán được từ 3 đến 4 triệu đồng. Trong khi đó, tiền giống, phân bón, công chăm sóc vào khoảng 7 triệu đồng/công. “Trung bình những năm trước, trên cùng diện tích trồng, nông dân có thể đạt khoảng 110 tấn mía/hécta. Còn niên vụ năm nay, nhiều nông dân lỗ nặng. Nguyên nhân một phần, nông dân không chăm sóc nên sản lượng giảm, chữ đường thấp. Giá thu mua cũng chỉ 800 đồng/kg, thấp hơn năm ngoài 100 đồng/kg”, ông Trang Thanh Vũ, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú nói.
Theo nhiều nông dân, vụ mía 2017-2018, nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh sửa chữa, nâng cấp công suất, chậm đi vào hoạt động gần 3 tháng so với hàng năm. Vì vậy, thời điểm đó, nhiều diện tích mía dần chết khô, giảm năng suất và chữ đường. Khi nhà máy đi vào hoạt động, nông dân gặp khó vì công ty thu mua nhưng lại nợ tiền. Vì vậy, họ không còn mặn mà với cây mía nên lưu gốc, bỏ ngoài đồng. Một số hộ tìm cách chuyển sang cây trồng khác hoặc cho người khác thuê để nuôi trồng thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Ánh, chủ cơ sở tại huyện Trà Cú cho biết niên vụ năm 2017 – 2018, bà bỏ vốn đầu tư cho nhiều nông dân trồng mía. Đến vụ, cơ sở này đến lấy mía, trừ lại tiền đã đầu tư. Tuy nhiên, giá mía rớt thê thảm. Nông dân không có tiền trả, đã phải mang giấy tờ đất “cố” cho chủ cơ sở làm tin, chờ có tiền trả dần.
Chủ tịch UBND huyện Trà Cú – ông Lê Hồng Phúc cho biết lãnh đạo tỉnh và huyện rất quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt, đề ra giải pháp tích cực hỗ trợ bà con trồng mía. “Chúng tôi đang triển khai những mô hình chuyển đổi sản xuất cho nông dân. Những vùng khó khăn về giao thông hoặc thủy lợi, sẽ bỏ cây mía, chuyển sang nuôi trồng những loại hiệu quả hơn. Còn những vùng nào thuận lợi, sẽ đầu tư cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học để duy trì vùng mía nguyên liệu”, ông Lê Hồng Phúc nói.