Ngành mía đường lao đao vì hàng nhập lậu

Thứ Năm, 15/03/2018, 08:57
Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kêu gọi cán bộ, công viên chức, người lao động và nhân dân “giải cứu” 30.000 tấn đường tồn kho của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), tại cuộc họp đầu năm Mậu Tuất vừa qua là việc đáng suy ngẫm. 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giải cứu mía đường như trên giống như từng giải cứu hành tím Sóc Trăng, chuối ở Đồng Nai hay các loại nông sản khác, chỉ là biện pháp tức thời. Về lâu dài cần có bài toán, bước đi phù hợp để ngành mía đường nói riêng, sản phẩm nông nghiệp nói chung phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: Hiện nay, đường tồn kho trong cả nước trên 300.000 tấn. Đường nhập lậu là nguyên nhân chính gây khó khăn cho ngành đường trong nước. Giá đường trong nước từ 12.000-12.500 đồng/kg nhưng đường nhập lậu (chủ yếu của Thái Lan) chỉ 11.500 đồng/kg nên khó cạnh tranh. 

Theo ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Casuco, doanh nghiệp mía đường còn gặp khó khăn hơn khi chịu thuế thu nhập, còn hàng lậu không bị áp thuế.

ĐBSCL có 10 nhà máy đường (NMĐ) nhưng đến nay 3 nhà máy đã đóng cửa, phá sản do thua lỗ không cạnh tranh được và 1 nhà máy tạm ngưng sản xuất. Trong vụ mía 2017-2018, chỉ có 6 NMĐ hoạt động. 

“Đa phần các NMĐ đều vay vốn ngân hàng để mua mía cho nông dân. Khi đường trong nước không cạnh tranh được, giá đường thấp thì tất nhiên NMĐ mua mía giá thấp cho nông dân. Về lâu dài, nếu không sống nổi với cây mía, nông dân sẽ chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả”, ông Hải nêu khó khăn.

Những ngày qua, dọc theo sông, rạch ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đều bắt gặp ghe mía chất đầy.

Bà Kiên Thị Xê (ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh), ngao ngán: “Tui trồng 5 công mía, được đại lý bỏ tiền vào đầu tư giống, phân bón… Đến kỳ thu hoạch, họ sẽ lấy lại một lượng mía tương ứng với số tiền đã đầu tư, phần còn lại nông dân được hưởng. Năm nay, giá bán thấp, nhà máy lại chậm thu mua, trừ mọi chi phí, tui lỗ mấy chục triệu đồng”.

Tại sao đường nhập lậu Thái Lan có giá rẻ hơn đường Việt Nam? Theo lời ông Hải, do Thái Lan có chính sách vĩ mô và quy hoạch ngành mía đường từ nhiều năm trước, hiện nay nông dân, NMĐ của họ hưởng thành quả này. Bên cạnh đó, NMĐ ở Thái Lan mua mía cho nông dân dao động từ 30-35 USD/tấn, tương đương từ 650-750 đồng/kg. 

Trong khi ở Việt Nam, NMĐ luôn mua ở mức từ 800-1.000 đồng/kg. Mua mía nguyên liệu cao làm cho giá thành sản xuất đường ở Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 2000-3.000 đồng/kg. 

Điều này lý giải vì sao thời gian qua, đường Thái Lan xuất lậu sang Việt Nam từ 300.000-500.000 tấn/năm. Và với Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, từ năm 2018, đường Thái Lan sẽ tràn sang Việt Nam dù còn thuế 5% nhưng vẫn rẻ hơn đường Việt Nam.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, người trồng mía ở Việt Nam vẫn chưa chịu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất, trữ đường trong cây mía và giảm giá thành sản xuất. Có 4 nguyên nhân khiến giá thành sản xuất mía cao: quy mô sản xuất manh mún và bằng thủ công, không áp dụng cơ giới; trồng mía không lưu dẫn gốc; nguồn gốc giống mía không đảm bảo chất lượng nên năng suất và chất lượng không đạt; canh tác và bón phân chưa phù hợp. 

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nếu áp dụng kỹ thuật mới chắc chắn nông dân và doanh nghiệp thu mua chế biến đều có lợi nhuận vì chạy được nhiều đường với chi phí thấp. Từ đó, giá thành sản xuất chỉ còn từ 8.000-9.000 đồng/kg có thể cạnh tranh với đường Thái Lan.

Như Anh
.
.
.