Nông dân Quảng Nam vui mừng vì nông sản sạch được mùa, được giá

Thứ Bảy, 21/05/2016, 08:20
Nhờ canh tác, sản xuất các loại nông sản theo tiêu chuẩn an toàn; đồng thời chủ động được vấn đề nước tưới trong mùa nắng hạn nên nông dân tỉnh  Quảng Nam đang rất phấn khởi khi nông sản sạch của họ luôn được mùa, được giá…

Dưới cái nắng trưa tháng 5 như cháy da thịt, bà Huỳnh Thị Xuân (trú xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn cần mẫn trên cánh đồng thu hoạch mướp đắng để kịp cung cấp cho các tiểu thương. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, bà Xuân chia sẻ: “Mướp đắng năm nay được mùa, được giá; có lúc cao điểm, giá lên đến hơn 50.000 đồng/kg. 

Ngoài ra, một số nông sản khác, như đu đủ, ớt, dưa leo, bí đỏ… cũng có giá bán khá cao, khiến nông dân chúng tôi rất vui mừng”. Niềm vui của bà Xuân cũng là niềm vui chung của hàng ngàn hộ nông dân khác tại tỉnh Quảng Nam sản xuất các loại nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn. Bà Nguyễn Thị Nga, một trong những hộ trồng ớt lớn của xã Đại An, cho biết nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên dù đang mùa nắng nóng, cánh đồng ớt của bà vẫn đạt năng suất rất cao. 

Đặc biệt, giá bán loại nông sản này hiện đang ở mức 30.000 đồng/kg, cao gần gấp 3 lần mọi năm, nên nông dân trồng ớt rất phấn khởi. Ông Trương Hòa, một thương lái nông sản tại xã Đại An, cho hay, nông sản tại xã Đại An được canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn, vì thế nhu cầu người mua rất lớn. “Tôi kinh doanh các mặt hàng nông sản đã nhiều năm nay, kinh nghiệm cho thấy, nông dân canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản sạch thì sẽ bán đắt như tôm tươi thôi”, ông Hòa nói.

Theo ông Lê Trọng Quốc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại An, HTX hiện có hơn 2.000 xã viên, trong đó có 48 hộ được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; số hộ còn lại đều sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo các quy định về việc sản xuất nông sản sạch. Số xã viên này đang canh tác trên diện tích 47ha, trong đó có gần 24ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Hầu hết đều sản xuất nông sản dạng rau ăn trái và quả, như bí đao, mướp đắng, dưa leo, đu đủ… 

Hằng năm, ngành Nông nghiệp huyện Đại Lộc đều tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cây trồng nhằm giúp các xã viên nắm kỹ các quy định về chăm sóc, bón phân, lịch thời vụ… cho cây trồng của mình. Bên cạnh, để tạo điều kiện thuận lợi cho xã viên vận chuyển nông sản sau thu hoạch, HTX đã đầu tư đường bê tông đến các cánh đồng; thực hiện thủy lợi hóa đất màu, khoan giếng nước tại đồng để chủ động nước tưới trong mùa nắng hạn… 

“Năm 2016 này, nông sản sạch của nông dân không chỉ được tiêu thụ tại địa phương, mà HTX còn liên kết với tư nhân tổ chức dịch vụ thu mua sản phẩm của người dân, sơ chế, đóng gói, dán nhãn hàng hóa để bán một số sản phẩm rau quả cho các siêu thị, chợ đầu mối Hòa Cường tại Đà Nẵng. Về lâu dài, HTX sẽ liên kết với một số điểm cung ứng các loại giống, thu mua nông sản để làm nhiệm vụ cung cấp đầu vào, thu mua đầu ra ổn định, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các xã viên”, ông Quốc nói.

NGỌC THI
.
.
.