Nông dân Cù Lao Dung chủ động thích ứng với hạn, mặn

Thứ Tư, 19/02/2020, 18:32
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả.  

Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là huyện có sông, biển bao bọc với 7 xã đảo. Từ bao đời nay, người dân ở huyện này chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó mía được coi là cây trồng chủ đạo. 

Tuy nhiên, những năm qua cây mía liên tục rớt giá, người trồng mía luôn đối mặt với nhiều khó khăn, Vì vậy, từ năm 2014, UBND huyện Cù Lao Dung phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hoa màu của gia đình ông Hoàng vẫn xanh tốt giữa mùa hạn nhờ hệ thống tưới tiết kiệm. 

Ông Trần Bé Tư, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Mấy năm gần đây, huyện tập trung giảm diện tích trồng mía chuyển sang các cây khác có giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, đã thực hiện thành công nhiều mô hình theo hướng phát triển Hợp tác xã (HTX), từng bước hình thành vùng trồng liên kết với các công ty xuất khẩu, tạo đầu ra cho sản phẩm”. 

Theo ông Tư, tính đến đầu tháng 9/2019, huyện đã chuyển đổi hơn 26.000ha đất trồng mía sang trồng nhãn Idor, bưởi da xanh và xoài; hơn 1.500ha trồng hoa màu, nuôi tôm nước lợ và cá kèo. Hiệu quả ban đầu từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã nâng giá trị trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 145 triệu đồng/năm. 

Để thích nghi với BĐKH, huyện tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi đa mục tiêu giao thương hàng hóa, ngăn triều cường, nước biển dâng. 

Gia đình ông Hoàng đào ao, lót bạt chứa nước ngọt tưới cho hoa màu. 

“Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các xã đảo tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) thích ứng với BĐKH. Song song, đó xây dựng mô hình xã NTM thông minh, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển huyện du lịch trong thời gian sớm nhất”, ông Tư cho hay.

Nằm gần cửa biển, huyện Cù Lao Dung chịu ảnh hưởng trực tiếp tình trạng xâm nhập mặn. Hiện lãnh đạo huyện đang tập trung các giải pháp để ứng phó, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp. 

Cụ thể, chính quyền địa phương, người dân cùng chung tay phòng chống xâm nhập mặn. Chủ động trong công tác bảo vệ đê điều chống xâm nhập mặn, tận dụng nguồn nước ngọt dự trữ hỗ trợ nông dân tưới tiêu… 

Ông Trần Bé Tư, chia sẻ: “Hiện, huyện có trên 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp được phân thành 3 vùng gồm: ngọt (xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Tây), lợ (một phần xã An Thạnh Nhất, thị trấn Cù Lao Dung, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam) và mặn (xã An Thạnh 3, một phần của xã An Thạnh Nam)”.

Mía ở Cù Lao Dung đang lên xanh. 

Xác định năm 2020 hạn mặn đến sớm, kéo dài nên nên huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tưới tiêu tiết kiệm, lập tổ kiểm tra đê điều, sửa chữa khi cần thiết. Nước sinh hoạt cho 16.000 hộ dân không thiếu; nước sản xuất được nông dân tận dụng nước ao, hồ dự trữ và tưới tiết kiệm. 

Nếu hạn mặn kéo dài có thể thiếu nước sản xuất nhưng huyện Cù Lao Dung đã chủ động, hướng dẫn, hỗ trợ bà con sử dụng nguồn nước ngọt hiệu quả tiết kiệm. Khu vực nào cần nước mặn thì dẫn nước vào, những nơi cần nước ngọt tưới tiêu thì hỗ trợ xả cống nước ngọt dự trữ hỗ trợ người dân. 

Trạm quản lý thủy nông tăng cường kiểm tra, theo dõi thường xuyên hệ thống thủy lợi, khi có nước ngọt thì mở cống, khi nước mặn lên thì đóng cống; vận động, khuyến khích bà con đầu tư tưới theo mô hình tiết kiệm nước. Huyện tập trung chuẩn bị 2 trạm bơm nước cơ động công suất lớn để bơm dự trữ nước khi có nước ngọt để phục vụ nông dân sản xuất.

Ông Đoàn Văn Hoàng (ngụ ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam), cho biết: “Gia đình tôi và nhiều hộ dân ở xã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nên chi phí tưới nước giảm đi nhiều. Tôi trồng 5 công (5.000m2) gồm dưa hấu, bí ngô, ớt. Tưới tiết kiệm mỗi giờ hết khoảng 4m3 nước, giảm hơn ½ so với tưới thủ công. Nhờ vậy 5 công hoa màu của tôi giờ vẫn xanh tốt, đang cho trái nhiều”.

Văn Đức - Xuân Lương
.
.
.