Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với xâm nhập mặn

Thứ Hai, 28/10/2019, 10:39
Do nước từ sông Mê Kông đổ về hạ nguồn với lưu lượng thấp hơn so với trung bình nhiều năm, người dân và ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó và thích nghi với xâm nhập mặn.

Năm nay, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lũ về muộn, nước từ sông Mê Kông đổ về hạ nguồn với lưu lượng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này dẫn đến khả năng thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt vào những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Hiện tại, người dân và ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó và thích nghi với xâm nhập mặn.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, xâm nhập mặn trên các sông chính có nhiều nguy cơ sẽ xuất hiện sớm hơn mọi năm (khoảng từ tháng 11-2019). Xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và khó lường, do phụ thuộc nhiều vào việc điều tiết nước của các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông. Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân cần chủ động có các biện pháp để chủ động chứa nước ngọt, phòng chống xâm nhập mặn mùa khô.

Tại huyện Thạnh Phú có hơn 6.400 hộ đã chủ động xây dựng gần 4.100 ống xi măng và trang bị hơn 7.000 bồn nhựa 500 lít trở lên. Tổng số tiền khoảng 11 tỷ đồng từ nguồn kinh phí gia đình. Ngoài ra, người dân còn đào 1.200 ngăn chứa nước trong ao, 650 mương vườn, gần 170 hố trải bạt, hơn 500 dụng cụ và phương tiện khác... 

Huyện Thạnh Phú cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng một giếng ống phục vụ cộng đồng tại ấp Phủ (xã Tân Phong), hỗ trợ 1 túi nilon 50m3 trữ nước phục vụ cộng đồng ở ấp Quí Khương (xã Quới Điền). Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã phối hợp cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh vận động Tập đoàn Novaland thực hiện chương trình “Nước sạch học đường”. 

Qua đó, đã hỗ trợ 52 trường học trên địa bàn huyện Thạnh Phú triển khai lắp đặt 350 máy lọc nước và hơn 340 bồn nhựa chứa nước mưa 3.000 lít, với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng để phục vụ cho hơn 19.200 học sinh có nước uống đảm bảo an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Chuẩn bị phòng tránh, ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn đến đời sống, sản xuất. 

Cụ thể, đối với chi bộ các ấp cần cụ thể hóa và vận động cộng đồng trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ thời điểm này. Sở NN&PTNN chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có giải pháp tích trữ nước, vận hành hợp lý, nhằm đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân. 

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi; rà soát các cống, đê bao để kịp thời khắc phục, sửa chữa và trao đổi với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để thống nhất phương án vận hành các cống cho phù hơp, đảm bảo tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt. 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần hướng dẫn các huyện biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt. Khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch, kiên quyết không sản xuất lúa vụ 3.

Xâm nhập mặn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa Đông Xuân của người dân vùng ĐBSCL.

Trước nguy cơ xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường, 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp quản lý, kiểm soát độ mặn ở 35 cống ngăn mặn để chủ động đối phó, đồng thời khẩn trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình nước mặn xâm nhập đang uy hiếp vùng Tứ giác Long Xuyên trong những ngày qua. UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng với các đơn vị chức năng huyện Kiên Lương và Giang Thành khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo vệ lúa hè thu 2019, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong vụ Đông Xuân. Song song đó, đắp lại đập Hòa Điền trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền và một số tuyến kênh rạch để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Tại An Giang, ngành chức năng tổ chức phân công cán bộ các trạm thủy lợi thường xuyên kiểm tra, đo độ mặn. Nếu độ mặn vượt quá 2/1.000, lập tức triển khai cảnh báo để người dân biết và chuẩn bị một số giống lúa thích nghi hạn mặn để trồng ven với vùng giáp Kiên Giang. 

Song song đó tập trung nạo vét các hồ trữ nước, bố trí những cây trồng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng 3 vụ trồng lúa không hiệu quả và kèm theo nhiều giải pháp kỹ thuật.Riêng tỉnh Hậu Giang đã đầu tư 67,5 tỷ đồng để đắp mới, nâng cấp, sửa chữa 120 đập thời vụ và cống ngăn mặn; nạo vét 71 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn để trữ nước ngọt trên đồng. 

“Ở vùng có nguy cơ hạn hán, tỉnh đã kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa công trình để trữ nước ngọt. Đối với vùng nguy cơ nhiễm mặn, tỉnh tiếp tục nâng cấp, tu bổ sửa chữa công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt nội đồng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Tại TP Cần Thơ, trong 9 tháng qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện công tác thủy lợi, nạo vét kênh, rạch nội đồng, nhằm mục tiêu khai thông dòng chảy, dự trữ nước cho mùa khô, với tổng khối lượng thực hiện là 255.284m³ (đạt 88,3% so với kế hoạch).

 Thực hiện nâng cấp, sửa chữa đê bao, đường giao thông nông thôn với 13.447m, gia cố đắp đê bao 73.227m³, gia cố sạt lở bờ sông 1.419m; khai thông dòng chảy 30.120m; đắp đập 27 cái... phục vụ trên 13.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện trên 35,4 tỷ đồng do dân đóng góp và các nguồn vốn khác. 

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, hiện TP Cần Thơ đang triển khai Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trọng tâm là thực hiện và hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tại các vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Trong đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước trong mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát ngập lụt và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi của thành phố thời gian tới…

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL dự báo, khoảng đầu tháng 3-2020, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra, mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra từ hạn, xâm nhập mặn trong thời gian tới. 

“Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì ngoài giải pháp ứng phó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần cảnh báo sớm để nông dân sản xuất “né” hạn, xâm nhập mặn, nhằm tránh thiệt hại nặng nề có thể xảy ra…”,  ThS Nguyễn Hữu Thiện nói.

Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT khuyến cáo, những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang phải xuống giống Đông Xuân sớm trong tháng 10-2019, với khoảng 400.000ha (tăng 200.000-250.000ha so với cùng kỳ). Trong tháng 11 và 12-2019 lần lượt xuống giống tiếp 700.000ha và 400.000ha ở các tỉnh, thành còn lại, phải kết thúc việc xuống giống trước ngày 10-1-2020. Việc bố trí thời vụ như nêu trên và chủ động xuống giống sớm là nhằm linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, giúp các địa phương này hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra, ảnh hưởng sản xuất lúa Đông Xuân 2019-2020.

Trần Lĩnh
.
.
.