“Nóng” chuyện kênh Ba Bò ngàn tỷ vẫn ô nhiễm

Thứ Sáu, 07/07/2017, 09:18
Về tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò, Giám đốc Sở TN&MT thành phố Nguyễn Toàn Thắng cũng đã thừa nhận “kênh Ba Bò đang có mùi hôi”. Nguyên nhân, theo ông Thắng là do nước thải từ 6 cụm dân cư tại Bình Dương xả thẳng ra kênh chưa qua xử lý. Tiến độ để xử lý nguồn thải này dự kiến cuối năm nay mới hoàn thành và thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Dương.

Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX trước phiên bế mạc vào ngày 6-7, về vấn đề dẹp vỉa hè và cho thuê vỉa hè, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết, trong số 186 tuyến đường thuộc 24 quận, huyện hiện đã có 85 tuyến chuyển biến tốt với tiêu chí vỉa hè thông thoáng; 45 tuyến có chuyển biến và 15 tuyến ít chuyển biến. Ông Cường cũng nhìn nhận rằng nhiều quận huyện đã có giải pháp, cách làm hay, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại về tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, dừng đậu xe trên lề đường.

“Do lãnh đạo quận, huyện chưa triển khai quyết liệt, chưa kiểm điểm cá nhân cấp dưới, nhiều nơi cách làm chưa phù hợp, chưa tạo được tính thuyết phục, nhất là phường xã để xảy ra tình trạng bao che tiêu cực”, ông Cường lý giải nguyên nhân tồn tại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa cho biết, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND thành phố trong “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ là kiên trì, không thể làm một bữa một ngày là xong, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” mà làm kiên trì để chuyển đổi nhận thức của người dân.

Trước ý kiến cho rằng thành phố dẹp vỉa hè để thu phí, ông Khoa khẳng định, mục đích của chính sách dẹp vỉa hè không phải để thu phí. Thành phố không đẩy đuổi, mà xử lý hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép vỉa hè, sử dụng vỉa hè làm ảnh hưởng giao thông, tài sản, tính mạng người khác. Hơn nữa việc thu phí lề đường, vỉa hè đã có từ trước, người dân sử dụng vỉa hè vào mục đích sinh lợi cho cá nhân thì phải có nghĩa vụ nộp lại để tổ chức lại trật tự, cơ sở vật chất.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm và nhiều đại biểu đã nhìn nhận, việc lập lại trật tự vỉa hè mà không có người dân thực hiện là không thể bền vững. Ngay cả với mô hình huy động các lực lượng liên ngành để ra quân dẹp trật tự lòng lề đường cũng được các đại biểu cho là không thể bền vững, bởi không thể có đủ lực lượng để ra quân liên tục.

Đối với vấn đề tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn mà cử tri quan tâm, theo ngành chức năng thành phố, những năm gần đây thành phố đã triển khai một loạt giải pháp như mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP; phối hợp với các tỉnh triển khai chuỗi thực phẩm an toàn; siết quản lý và cấp phép trong sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm… Song, giải trình trước HĐND thành phố, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế đã nêu ra một loạt bất hợp lý trong thanh tra, xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP năm 2015-2016 vừa qua.

Màu nước đen trên kênh Ba Bò.

Chẳng hạn việc các quận, huyện xử phạt ở mức rất thấp nên thực tế thực phẩm vẫn chưa thật an toàn. Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cũng cho biết, việc thành lập thí điểm cơ quan quản lý về ATTP là quyết tâm của thành phố. Thống nhất việc này về một đầu mối để quản lý, hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn vì có sự liên thông, phân định trách nhiệm rõ ràng.

Thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP năm 2015-2016, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng người dân chưa thể yên tâm khi mà vẫn còn nhiều âu lo. Để người sản xuất, chế biến và tiêu thụ phải liên kết để đảm bảo thông suốt khi cần truy xuất nguồn gốc là vấn đề khó. Do đó thành phố và các sở, ngành phải đưa ra giải pháp, mang tính trách nhiệm cụ thể hơn.

Cũng tại kỳ họp thứ 5, HĐND khóa IX, giải trình trước các đại biểu về tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, quan sát vào buổi tối, nước kênh Ba Bò rất đen và hôi trong khi ban ngày nước kênh lại trong. Từ đó trung tâm chống ngập nghi ngờ có tình trạng lén xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào kênh.

Để xử lý ô nhiễm môi trường nước của tuyến kênh Ba Bò, theo ông Công hiện trung tâm đang tiến hành làm đập chắn giữa hồ sinh học và hồ điều tiết. Do sử dụng màng chống thấm để ngăn nước bẩn, nên chỉ cần nước thải công nghiệp ngấm vào là hư ngay thiết bị xử lý nước ở hồ sinh học. Vì vậy trước khi vận hành hồ sinh học, trung tâm sẽ cho tiến hành quan trắc đầu ra để xác định có chất thải công nghiệp hay không.

Về tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò, Giám đốc Sở TN&MT thành phố Nguyễn Toàn Thắng cũng đã thừa nhận “kênh Ba Bò đang có mùi hôi”. Nguyên nhân, theo ông Thắng là do nước thải từ 6 cụm dân cư tại Bình Dương xả thẳng ra kênh chưa qua xử lý. Tiến độ để xử lý nguồn thải này dự kiến cuối năm nay mới hoàn thành và thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Dương.

Bởi trong cam kết của thành phố và Bình Dương khi xây dựng dự án kênh Ba Bò, Bình Dương đã ghi vốn hơn 3.000 tỉ đồng để xử lý nước thải khu Nam Bình Dương, trong đó có 6 cụm dân cư đã nêu, song lộ trình đầu tư của dự án kéo dài tới nay vẫn chưa hoàn thành.

Như vậy, dự án kênh Ba Bò được thành phố đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng nhưng 10 năm qua vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Công trình hồ sinh học do trung tâm chống ngập thực hiện sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 để đưa vào vận hành, xử lý nước từ kênh Ba Bò và chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt, nên Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề, đề nghị chính quyền và ngành chức năng lưu ý: “Nếu nước thải công nghiệp do DN lén xả trộm ra kênh, rồi tràn vào hồ sinh học làm thiết bị xử lý bị hư hỏng, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Đ.Thắng
.
.
.