Nhiều "chiêu trò" dụ người hút thuốc, dù mỗi năm tử vong 40.000 người

Thứ Hai, 07/05/2018, 08:00
Bất chấp những cảnh báo về bệnh tật và chết chóc, số người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất nhiều. Trong khi đó, ngành công nghiệp thuốc lá lại có nhiều “chiêu trò” để dụ người sử dụng thuốc lá, chống lại những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thuốc lá mà Chính phủ cùng ngành Y tế đang tiến hành.


Trong mỗi điếu thuốc lá có tới 69 chất gây ung thư như Nitrosamines được tìm thấy trong khói của dầu khí và thuốc trừ sâu; Ammonia sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và các sản phẩm tẩy rửa; Formaldehyde là dung dịch dùng trong ướp xác, là chất gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc; Benzene gây biến đổi tếbào, sinh ung thư vv… 

Vì thế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc. Một kết quả điều tra tại Bệnh viện K cho thấy, số bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%.

Đây là những thông tin được Ths Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Thúc đẩy giám sát và truyền thông Phòng chống tác hại của thuốc lá” do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 3 đến 5-5. 

Bất chấp những cảnh báo về bệnh tật và chết chóc, số người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất nhiều. Trong khi đó, ngành công nghiệp thuốc lá (CNTL) lại có nhiều “chiêu trò” để dụ người sử dụng thuốc lá, chống lại những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thuốc lá mà Chính phủ cùng ngành Y tế đang tiến hành.

TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng vạch rõ những chiến lược của ngành CNTLViệt Nam. Đó là đưa ra các thông tin sai sự thật như cho rằng CNTL có “nhiều đóng góp cho nền kinh tế” và “xóa đói giảm nghèo”, trong khi đóng góp từ thuế thuốc lá rất nhỏ so với số tiền phải chi cho hậu quả của thuốc lá và còn các hộ nghèo tiêu tốn tới 5% thu nhập gia đình cho thuốc lá, nhiều gấp 1,6 lần so với chăm sóc sức khỏe.

BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại việt Nam cho biết, 11,3% hộ gia đình hút thuốc lá nghèo sẽ thoát nghèo nếu số tiền chi cho thuốc ládùng cho thực phẩm. 

BS Phạm Thị Hoàng Anh cho biết thêm, chỉ số can thiệp của ngành CNTL tại Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Đó là việc ngành CNTL tham gia vào xây dựng chính sách liên quan phòng chống tác hại của thuốc lá; luân chuyển cán bộ cao cấp giữa ngành CNTL và các cơ quan quản lý Nhà nước là mâu thuẫn lợi ích. 

Bà Phạm Thị Hoàng Anh cũng đề nghị các cơ quan truyền thông cần nhận thức rõ rằng, ngành CNTL không thể ngang hàng các ngành công nghiệp khác, đồng thời, tăng cường tham gia vào quá trình giám sát và truyền thông giảm sự can thiệp của các công ty thuốc lá. Các cơ quan, đơn vị không nhận tài trợ của các doanh nghiệp thuốc lá, không hợp tác quảng cáo, quảng bá thuốc lá dưới mọi hình thức” - bà Hoàng Anh nhấn mạnh.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhất trí phải tăng thuế thuốc lá để kiểm soát việc sử dụng thuốc lá, giảm bệnh tật cho người dân, tăng nguồn thu cho Chính phủ. Khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.

Thanh Hằng
.
.
.