Khi Ma túy vượt qua cổng trường học

Nỗ lực ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:57
Các đối tượng, tội phạm ma túy thường nhằm vào các em học sinh, sinh viên gia đình có điều kiện về kinh tế, có biểu hiện chơi bời, hư hỏng; học sinh, sinh viên có ý thức tổ chức kỷ luật kém, thường vi phạm nội quy, quy chế nhà trường, bị xử lý kỷ luật, có biểu hiện chán học; và học sinh, sinh viên được sinh ra trong các gia đình không êm ấm (bố, mẹ mất sớm; bố, mẹ ly dị)… để lôi kéo, dụ dỗ các em phạm tội ma túy.

Các đối tượng, tội phạm ma túy thường nhằm vào các em học sinh, sinh viên gia đình có điều kiện về kinh tế, có biểu hiện chơi bời, hư hỏng; học sinh, sinh viên có ý thức tổ chức kỷ luật kém, thường vi phạm nội quy, quy chế nhà trường, bị xử lý kỷ luật, có biểu hiện chán học; và học sinh, sinh viên được sinh ra trong các gia đình không êm ấm (bố, mẹ mất sớm; bố, mẹ ly dị)… để lôi kéo, dụ dỗ các em phạm tội ma túy.

Một trong những vụ án gây xôn xao dư luận cả nước trong những ngày qua là việc Đội CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh triệt phá một tụ điểm sử dụng học sinh vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy. 

Thủ đoạn của nhóm đối tượng trong vụ án cực kỳ tinh vi khi chúng cho các cháu sử dụng ma túy. Khi các nạn nhân bị lệ thuộc, chúng biến các nạn nhân thành công cụ gieo rắc ma túy. 

Liên quan đến vụ án trên, ngày 15-9, cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã tạm giữ 4 đối tượng gồm Mai Nguyễn Ngọc Vi (23 tuổi); Nguyễn Tuấn Anh (tự Lùn, 24 tuổi, cùng ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh); Lê Hoàng N và Đinh Bảo L (18 tuổi, học sinh trường cấp 3 ở Thủ Đức) để xử lý hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Khi bị đưa về cơ quan CSĐT vào trưa 13-9, hai học sinh L và N vẫn khoác trên người bộ đồng phục học sinh của nhà trường. 

Mai Nguyễn Ngọc Vi và Nguyễn Tuấn Anh.

Theo lời khai ban đầu của hai nam sinh thì Vi và Tuấn Anh đã cho các em sử dụng ma túy. Khi bị lệ thuộc, các đối tượng biến các em thành công cụ phạm tội. Trước đó, vào ngày 6-9, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hải Phòng đã bắt Lê Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ngọc Mai về tội tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy. Đây là những đối tượng trong đường dây cung cấp ma túy vào các vũ trường, quán bar, karaoke trên địa bàn. 

Hai đối tượng bị bắt giữ khai rằng, để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an, các đối tượng đã sử dụng các em nhỏ dưới 16 tuổi tham gia vào đường dây ma túy này... Các em nhỏ được ở chung tại các khách sạn mà hai đối tượng đang thuê. Khi có khách đến mua ma túy, chúng sẽ điều đi giao hàng. Các nạn nhân vô tư làm theo yêu cầu của các đối tượng mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Đó chỉ là một trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua. Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về một loại ma túy mới được gọi là tem giấy hay bùa lưỡi mới xuất hiện ở Việt Nam. Điều đáng quan ngại là các loại ma túy này được bán tại các cổng trường học, với giá khoảng 20 nghìn đồng/ miếng. 

Với kích thước chỉ nhỏ như một con tem (khoảng 1,5x1,5 cm), viêc mua bán, sử dụng rất khó bị phát hiện, trong khi việc sử dụng khá dễ dàng. Người dùng chỉ cần liếm như dán giấy hoặc ngậm trên lưỡi. Chỉ sau 5 phút liếm hay ngậm, người dùng đã có cảm giác... 

Trong khi đó, theo các chuyên gia thì đây là loại ma túy cực kỳ nguy hiểm vì các miếng tem giấy này được tẩm chất LSD, là chất gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay mà con người biết đến, thuộc nhóm kích thích. 

Chỉ cần vài chục microgam chất này đã có thể gây ảo giác, hoang tưởng nguy hiểm cho bản thân người dùng và người xung quanh. Thời gian bán hủy là 5 giờ nhưng tác dụng kéo dài đến 12 giờ. Với liều cao khoảng 1 mcg/kg, trung bình khoảng 50-60 mcg, cảm giác ảo giác, hoang tưởng kéo dài đến vài ngày...; nên rất dễ kích thích sự tò mò của học trò.

Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học thì đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội này phần lớn là những kẻ nghiện ma túy. Trong trường hợp này, thủ đoạn của các đối tượng thường là rêu rao việc sử dụng ma túy, để tạo sự tò mò đối với những học sinh, sinh viên. Sau đó, chúng mời họ sử dụng, ban đầu là miễn phí. Đến khi các nạn nhân bị lệ thuộc thì chúng biến các nạn nhân thành công cụ phạm tội. Học sinh, sinh viên là những nạn nhân thường bị rơi vào nhóm này.

Theo thống kê rà soát của Bộ Công an, cả nước có 200.134 người nghiện. Người nghiện ma túy đã xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ. Việc sử dụng các loại ma túy gây tổn hại về sức khoẻ, về tinh thần và cả nhân cách... Khi sử dụng ma tuý, người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần. Khi đã lệ thuộc, họ tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu bức bách về ma tuý. Trong trường hợp này, họ có thể làm bất cứ việc gì kể cả giết người.

Hậu quả của việc sử dụng ma túy đá rất rõ, nhưng do nhiều nguyên nhân, tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy vẫn có diễn biến phức tạp. 

Lý giải về vấn đề trên, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Trần Giang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội cho biết: Một trong những nguyên nhân đó là do ma túy tổng hợp này dễ mua, dễ sử dụng và cho ảo giác mạnh. Bên cạnh đó, sự quản lý của gia đình và địa phương còn quá lỏng lẻo. Nhiều gia đình thờ ơ, bỏ mặc không biết con em mình đang làm gì, chơi với ai, dẫn đến việc các em tự do bỏ học để vui chơi, tự do quan hệ với nhiều đối tượng xấu. 

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, Thiếu tá Hoàng Văn Quang, Đội trưởng Đội Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Cẩm Giàng, Hải Dương cho biết: Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy, cùng với biện pháp tuyên truyền của lực lượng Công an, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. 

Các bậc phụ huynh phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm sự của các con; kịp thời giải tỏa những bức xúc về tâm lý. Bên cạnh đó, bố mẹ của các em cũng cần phải tự trang bị kiến thức cho bản thân về các loại ma túy, có như vậy sẽ giúp con em mình tránh xa được các loại ma túy độc hại.

“Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa của ma túy”, đây là khẩu hiệu trong Tháng hành động phòng chống ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để phòng ngừa, mỗi học sinh, sinh viên cần phải nâng cao ý thức cảnh giác. Trong trường hợp phát hiện học sinh, sinh viên có biểu hiện sử dụng ma tuý hoặc nghi vấn buôn bán ma tuý; các đối tượng nghi vấn dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy, các em học sinh, sinh viên phải báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo để có biện pháp ngăn chặn. 

Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là Công an cấp huyện và cấp xã, phường nơi có các trường học cần quản lý chặt địa bàn; phối hợp nhà trường tuyên truyền về các loại ma túy, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội. 

Việc tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng để các học sinh, sinh viên thấu hiểu các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), hết sức độc hại, tàn phá sức khỏe, hệ thống thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, trong đó có ma túy dạng đá (Methamphetamine)... 

Cùng với đó, gia đình và giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên có sự gắn kết, trao đổi thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường.

Xuân Mai
.
.
.