Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn lây lan

Chủ Nhật, 17/03/2019, 08:08
Theo báo cáo nhanh của các lực lượng chức năng tính đến ngày 15-3, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 18 tỉnh, thành phố và chưa có dấu hiệu dừng lại.


Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh tại các địa phương, các lực lượng liên ngành đã và đang nỗ lực chốt chặn tại các ổ dịch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phun và khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lân của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, chăn nuôi lợn và thịt lợn của người dân khi dịch bệnh đi qua.

Có mặt tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình trong ngày 15-3 đúng ngày thời tiết bất thường, trời trở lạnh và mưa phùn, chúng tôi thấy 6 điểm chốt kiểm dịch dã chiến tại các điểm ra vào xã. Xã Ninh Khang là điểm xuất hiện dịch tả lợn đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, tại hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Hải ở thôn Bạch Cừ chăn nuôi 59 con lợn. 

Khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi, các lực lượng chức năng đã tiêu huỷ 59 con lợn của gia đình ông Hải, đồng thời tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực hộ chăn nuôi theo quy định.

Xe chở gia cầm, gia súc khi đi vào địa bàn TP Ninh Bình được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và phun thuốc khử trùng.

Ông Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch ở xã Ninh Khang, UBND huyện Hoa Lư đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức lực lượng bao vây, dập tắt dịch, không để bệnh dịch lây lan trên diện rộng. 

Theo đó, đã có 6 chốt kiểm dịch động vật, duy trì trực 24/24 giờ để tập trung khống chế khoanh vùng, dập dịch nhanh gọn theo đúng quy định kỹ thuật, không để lây lan sang diện rộng.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, toàn huyện Hoa Lư hiện có khoảng 7.300 con lợn thuộc 600 hộ chăn nuôi; riêng tại xã Ninh khang có 400 con lợn thuộc 40 hộ chăn nuôi. Từ khi phát hiện ổ dịch ở Ninh Khang, tại các chốt kiểm dịch cơ động đều tăng cường hoá chất và vôi bột và hướng dẫn người dân chăn nuôi trên địa bàn cùng phối hợp để phun sát trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực đang chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Đồng thời, yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi chủ động khai báo khi có dịch bệnh trên đàn lợn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn các xã, thị trấn; không giết mổ, không bán chạy lợn ốm, lợn chết.

Trước lo ngại về việc tiêu thụ lợn của người dân trong vùng dịch gặp khó khăn, ông Mạnh cho biết, lợn khoẻ mạnh của các hộ dân vẫn được giết mổ bình thường và tiêu thụ trong xã. Không vận chuyển ra khỏi vùng. Giá lợn hơi hiện nay cũng giảm rơi vào khoảng từ 37-38 nghìn đồng/ 1kg. Lợn thịt được bán với giá từ 70-100 nghìn đồng/1 kg tuỳ loại. Sức mua của người dân có giảm hơn nhưng không đáng kể. Người dân trên địa bàn phối hợp rất tốt với lực lượng chức năng trong phòng chống dịch bệnh, nên sau 1 tuần triển khai phòng dịch, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa phát sinh ổ dịch mới.

Tại chốt kiểm dịch lưu động cầu Non Nước (TP Ninh Bình), Thượng uý Vũ Hoàng Rinh, Đội CSGT trật tự Công an TP Ninh Bình cho biết, chốt lưu động được thành lập từ ngày 6-3. Ngày có 2 ca và trực 24/24h. Khi dịch bệnh tả lợn bùng phát, các tỉnh có dịch đều có chốt kiểm tra, nên lượng vận chuyển lợn giảm hẳn. Từ ngày lập chốt đến nay mới có 2 xe chở lợn đi qua địa bàn và có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ, còn lại chủ yếu là các xe gia cầm. Các lực lượng phối hợp túc trực để đảm bảo không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến đời sống chăn nuôi, sản xuất của người dân.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT Ninh Bình Bùi Văn Quý cho biết, QLTT phối hợp với các lực lượng kiểm tra, giám sát lợn từ gốc, từ các hộ chăn nuôi, tới giết mổ và tiêu thụ ngoài thị trường. Ở Ninh Bình các cơ sở chế biến thực phẩm từ thịt lợn như giò, chả, xúc xích… không nhiều và đa phần là sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình và chủ yếu sản xuất thủ công, cung cấp tại chỗ cho người dân địa phương trong thời gian qua đều được kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc, mất vệ sinh ATTP.

Ổ dịch ở Hoa Lư trong tuần đầu tiên được kiểm soát và tỉnh Ninh Bình chưa phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, dịch bệnh tả châu Phi vẫn đang có xu hướng lan rộng với tốc độ nhanh. Theo ông Linh, trong thời gian tới cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát lợn bị dịch bệnh ở trên đường.

Trong đó, QLTT chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt.Đặc biệt, phải xác định những ổ dịch, điểm lây lan, đặc biệt ở những nơi đông dân cư, KCN, KCX tập trung đông dân cư. 

Bên cạnh đó, cùng với các lực lượng, chính quyền phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.  Đối với 17 tỉnh, thành phố đã xuất hiện dịch, Tổng cục QLTT sẽ đi kiểm tra đột xuất các chốt kiểm dịch cơ động trước tình hình diễn biến dịch bệnh lan rộng ra miền Trung và miền Nam.

Bắc Ninh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Ngày 16-3, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Đại đã xác nhận, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vừa xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Tam Đa (huyện Yên Phong) và Đại Xuân (huyện Quế Võ) với số lượng lợn tiêu hủy vài chục con. 

Ngay trong sáng 16-3, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông đã làm việc với lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Ninh động viên, khích lệ, đốc thúc chính quyền địa phương và thú y tổ chức thực hiện các bước tiêu hủy, lập chốt kiểm dịch, tiêu độc khủ trùng theo đúng kịch bản khuyến cáo của OIE, FAO và Bộ NN&PTNT. 

Như vậy, Bắc Ninh là địa phương mới nhất và là tỉnh thứ 18 xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trước đó đã có 17 địa phương công bố dịch gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An. (NY)

Lưu Hiệp
.
.
.