Những việc làm thiết thực giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Thứ Tư, 12/10/2016, 09:57
Ông Hồ Quang Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2016, Trung tâm đã mở 4 lớp dạy nghề cho 131 học viên là phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.


Thời gian qua, chương trình đào tạo nghề cho phạm nhân của Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám thị các trại giam, trại tạm giam. Tại đây, học viên được phổ biến về ý nghĩa của chương trình nên tham gia đầy đủ và chấp hành nghiêm nội quy của lớp học.

Khi chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam là lúc phạm nhân nơi đây đang thực hành trộn vữa, xây gạch, trát tường... Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Giám thị trại, cho hay, lớp học “Nề hoàn thiện” này do đơn vị phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh Quảng Nam tổ chức, trong 3 tháng với 300 tiết học.

Tham gia lớp học, phạm nhân được cung cấp những kiến thức như: kỹ thuật làm móng, láng nền, kỹ thuật ốp, lát gạch men... Định kỳ, sẽ có các bài kiểm tra theo đúng chương trình học. Sau khóa học, ban tổ chức sẽ đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên.

Dạy nghề “Nề hoàn thiện” tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam.

Rời Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đi thực tế tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Công Tân, Trưởng Công an xã Bình Minh nêu một số trường hợp điển hình về phạm nhân chấp hành xong án phạt từ được giúp đỡ có công việc làm thu nhập ổn định, tái hòa nhập cộng đồng.

Như Võ Văn Nh. (25 tuổi, trú thôn Hòa Bình), năm 2012, can tội cướp tài sản. Sau thời gian chấp hành án, Nh. hoàn lương bằng nghề buôn bán hải sản. Ban đầu, chỉ là “buôn thúng bán bưng”, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Để giúp đỡ Nh., xã giới thiệu Nh. vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho vùng khó khăn). Từ đó, Nh. làm ăn ngày một khấm khá. Nay Nh. đã có vợ con hạnh phúc, việc sản xuất kinh doanh hải sản cũng đã có kho đông lạnh và quy mô hơn…

Hay trường hợp Võ Văn Tr. (26 tuổi, trú thôn Hà Bình), năm 2009, bị Tòa án xử phạt 5 năm tù giam, vì cầm đầu băng nhóm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Ra tù, với quyết tâm làm lại cuộc đời, Tr. được xã hỗ trợ để làm thủ tục xin vay vốn xây dựng một phòng đông lạnh gần 230 triệu đồng dự trữ mực tươi.

Hằng tháng, cơ sở của gia đình Tr. cung cấp cho thị trường gần 20 tấn mực; trừ các chi phí, anh thu lợi nhuận mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng. Hiện tại, Tr. sống hạnh phúc với vợ và 1 con nhỏ 6 tháng tuổi…

Đến xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi được Công an xã giới thiệu về gương hoàn lương L.V.B. (49 tuổi, trú thôn Châu Lâm).

Bây giờ nhắc đến B. người ta thường nói đến một chủ trại nấm hiền lành, chịu khó. Sau khi trở về địa phương, được sự giúp đỡ của chính quyền, B. vay tiền trồng nấm và hiện nay là một trong những người thành công với mô hình này…

Một trong những địa phương có số người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn khá nhiều là huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Tính đến tháng 9-2016, đã có 9 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền từ 25-30 triệu đồng/người.

Điển hình như anh H.M.H. (trú thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp) được Hội Phụ nữ giúp đỡ vay 30 triệu đồng, lập trang trại chăn nuôi và gặt hái nhiều thành công. Sau đó, anh H. tuyên truyền, vận động anh T.C.T., cũng là người chấp hành xong án phạt tù vay 30 triệu đồng để nuôi bò…

Ngoài ra, UBND huyện Đại Lộc còn chỉ đạo các hội, đoàn thể, cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạo việc làm cho 100 người chấp hành xong án phạt tù. Đại tá Doãn Bá Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về, Công an các địa phương trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn họ đến UBND cấp xã trình diện, yêu cầu ký cam kết không tái phạm tội trở lại.

Theo đó, chính quyền các xã tiếp nhận, phân công người quản lý, giúp đỡ họ. Người được giao nhiệm vụ này sẽ thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu UBND cấp xã có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp phạm nhân sau khi ra trại vẫn “ngựa quen đường cũ”, bởi vì họ không có nghề nghiệp ổn định, thiếu sự quan tâm của gia đình, xã hội.

Do vậy, giúp đỡ, tạo cơ hội cho những người lầm lỡ được học nghề là việc làm vô cùng cần thiết, để khi trở về địa phương, phạm nhân sẽ thuận lợi trong việc tạo lập công ăn việc làm, xây dựng hạnh phúc gia đình, hạn chế tái phạm.

Phước Hiệp
.
.
.