Tín hiệu vui từ những làng chài ven biển miền Trung

Thứ Ba, 02/05/2017, 08:48
Cả hệ thống chính trị của các tỉnh miền Trung đã vào cuộc giúp đỡ ngư dân khắc phục khó khăn, dần ổn định cuộc sống.

Chúng tôi về xã biển bãi ngang Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) những ngày tháng Tư lịch sử. Khắp nơi đều treo cờ Tổ quốc, với một không khí vui tươi, phấn khởi, hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngồi ở sân nhà, đang vá lại vàng lưới rê sau một chuyến ra khơi, ông Trần Văn Đồng (62 tuổi, ở thôn Mạch Nước), cho biết, chuyến ra khơi vừa rồi, ông và 3 bạn thuyền kiếm được mỗi người hơn 5 triệu đồng, sau 1 ngày đêm đánh bắt cá tôm trên vùng biển đảo Cồn Cỏ, cách biển Vĩnh Thái chừng 20 hải lý.

Hỏi ông Đồng, biển dạo này thế nào?, ông cười rạng rỡ: “Khá hơn nhiều rồi! Các loài cá, ốc, ghẹ sống ở tầng đáy đã xuất hiện trở lại. Ở tầng nước nổi, xa bờ từ 20 hải lý trở ra, cá tôm có khi còn nhiều hơn trước khi biển bị ô nhiễm”.

Theo ông Đồng, bà con ngư dân ở đây đã chuyển từ đánh bắt tầng đáy sang tầng nước nổi. Để làm được điều đó, bà con mua sắm mới ngư lưới cụ phù hợp với điều kiện đánh bắt mới, và đầu tư nâng cấp tàu thuyền với công suất lớn hơn trước vài mã lực để có thể vươn khơi xa hơn trước, đảm bảo được việc đánh bắt của mình, nhưng đồng thời cập bờ một cách thuận lợi…

Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết thêm, sau sự cố môi trường biển, ngư dân rơi vào tình trạng khó khăn, gần như bế tắc. 

Nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; của Đảng bộ, chính quyền và sở, ban, ngành chức năng địa phương; cùng với sự đoàn kết, chịu thương chịu khó, cố gắng khắc phục khó khăn của bà con nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và người dân xã Vĩnh Thái đã nhanh chóng tìm được hướng đi mới, thích hợp cho mình.

Trong đó, đáng chú ý là việc cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn hơn trước, đủ sức vươn khơi tầm 20 hải lý trở ra đến 50 hải lý để đánh bắt thủy hải sản ở tầng nước nổi. Hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trồng cây dược liệu trên cát như cây sả và cây dứa nguyên liệu. Đầu tư, xây dựng và phát triển các mô hình trang trại tổng hợp, như chăn nuôi vịt biển, gà và lợn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đã được UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng phê duyệt và được UBND tỉnh tạm cấp tính đến 27-3-2017 là 482.074.706.526 đồng, đã tiến hành chi trả 460.818.687.446 đồng.

Ngư dân tỉnh Quảng Trị cải hoán tàu thuyền vươn khơi bám biển.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phấn khởi, nói rằng, việc chi trả tiền bồi thường biển cho bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng ở địa phương, đã diễn ra nghiêm túc, đúng với thực tế và đối tượng được đền bù, theo đúng chủ trương của Chính phủ. Theo đó, bà con đã có điều kiện cải hoán, đóng mới tàu thuyền để tiếp tục vươn khơi, bám biển…

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ghi nhận: Hiện tại, nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Bình, như thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch… đã và đang thực hiện đồng loạt chi trả tiền bồi thường đợt 1 và đợt 2 cho người dân.

Trong đó nhiều xã, phương có số tiền chi trả rất lớn như: xã Quang Phú, TP Đồng Hới chi trả, hỗ trợ, đền bù đến 26 tỉ đồng; phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn chi trả8 tỉ đồng; hai xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy chi trả hơn 19,5 tỉ đồng…

Việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ giữa năm 2016 đến nay. Chính nhờ làm tốt công tác chi trả như khẩn trương, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng nên đem lại nhiều niềm vui cho bà con ngư dân. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn tiếp tục đồng hành với ngư dân để ngư dân trong tỉnh chuẩn bị tốt nhất cho những chuyến ra khơi.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, gần 1 năm nay, cả chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc hỗ trợ ngư dân sau sự cố môi trường biển. Nhờ làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ kịp thời, ngư dân dần khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi về những bãi biển Hà Tĩnh, nay thuyền bè của ngư dân đã tấp nập ra khơi. Hỏi việc công việc hỗ trợ, đền bù, hầu hết đông đảo ngư dân đều nhận xét là kịp thời, khách quan, đúng đối tượng.

 Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, ngoài việc Trung ương gấp rút hỗ trợ gần 6.300 tấn gạo cho hơn 19.000 hộ dân, hỗ trợ 750 triệu đồng cho diện tích nuôi trồng bị thiệt hại, hỗ trợ hơn 27 tỷ đồng cho gần 5.900 tàu thuyền… tỉnh Hà Tĩnh đã chi từ nguồn ngân sách địa phương gần 53 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ khắc phục sự cố cấp bách, đảm bảo ANTT.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc giúp đỡ ngư dân khắc phục khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Chính nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương nên đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai, bồi thường thiệt hại.

Theo đó, giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.591,77 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của hải sản tồn kho), đã phê duyệt 1.091,59 tỷ đồng giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ và chi trả được 1.022,8 tỷ đồng.

Ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, có 20.018 đối tượng là ngư dân, người lao động trên biển, chủ tàu thuyền... được phê duyệt bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, với tổng số tiền 680 tỷ đồng. Tính đến nay, các địa phương đã tiến hành chi trả 500 tỷ đồng cho trên 18.100 đối tượng, đạt 90%.

Chúng tôi về xã Phú Hải (huyện Phú Vang) và chứng kiến cảnh rất đông bà con ngư dân địa phương ở đây đang làm thủ tục để nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển đợt 2.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Hải chia sẻ, xã có 925 đối tượng được phê duyệt nhận đền bù tổng số tiền 35,8 tỷ đồng. Vừa qua, xã đã tiến hành chi trả đợt 1 với 17,9 tỷ đồng cho các ngư dân, người lao động trên biển và trong 2 ngày 24 và 25-4-2017, xã Phú Hải đã tiếp tục chi trả số tiền còn lại cho người dân.

“Ngoài việc hướng dẫn các thủ tục, xã còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng số tiền đền bù vào việc sửa chữa, nâng cấp tàu cá, cải hoán công suất máy và mua sắm thêm ngư lưới cụ để phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, việc cấp kinh phí để chi trả tiền bồi thường của Chính phủ rất kịp thời, ngư dân rất phấn khởi”, ông Bình cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới bày tỏ: “Sự cố môi trường biển đã gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân, giờ cán bộ thôn, xã cũng vui lây khi bà con được nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Nếu làm không tốt công tác chi trả sẽ gây mất đoàn kết trong nhân dân. UBND xã Bảo Ninh đã niêm yết công khai chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại để bà con góp ý…”.

Theo ông Hiếu, hơn 2 tháng qua chính quyền xã Bảo Ninh, nơi có 95% người dân làm nghề biển đã tổ chức nhiều cuộc họp từ thôn, xóm rồi đối thoại với bà con để thống nhất phương án hỗ trợ.

Tất cả người dân nằm trong diện đối tượng được hỗ trợ, đền bù từ chủ tàu, thuyền viên đánh cá, làm việc liên quan đến nghề cá… đều được niêm yết danh sách, số tiền được nhận ở UBND xã. Chính nhờ sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng nên bà con ngư dân nhận tiền đền bù đều phấn khởi.

Sông Lam – Thanh Bình – Anh Khoa
.
.
.