Những câu lạc bộ nói không với thuốc lá
- Cần tiếp tục xử phạt mạnh vi phạm về thuốc lá
- Điểm sáng trong phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Đắk Lắk
- Những căn bệnh chết người do hút thuốc lá thụ động
Trong giai đoạn 5 năm (2015-2019), Hội Nông dân các tỉnh, thành đã xây dựng được hàng ngàn mô hình câu lạc bộ (CLB), chi hội nông dân không khói thuốc.
Điển hình như CLB Nông dân phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ở thôn Mỹ Cang (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) đã thành lập được một nhóm 10 hội viên, sau quá trình hoạt động hiện nay đã có hơn 84 hội viên tham gia.
Chủ nhiệm CLB này cho hay, CLB hoạt động thành công là nhờ có kế hoạch sinh hoạt định kỳ hàng tháng, lồng ghép các chương trình, nội dung về PCTHTL vào sinh hoạt chi hội ở thôn.
Bên cạnh đó, các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB cũng thường xuyên gặp gỡ các hội viên thường hút thuốc tại các tổ để vận động, giải thích về việc từ bỏ hút thuốc có lợi cho sức khỏe và kinh tế gia đình…
Một buổi tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá. (Ảnh: Quỹ PCTH thuốc lá cung cấp). |
Ông Nguyễn Ngọc Thảo, hội viên của CLB thôn Mỹ Cang cho biết, ông có 20 năm nghiện hút thuốc lá, từng vào viện điều trị phẫu thuật phổi tắc nghẽn. Để từ bỏ thuốc ông tham gia sinh hoạt trong CLB nông dân PCTHTL, và cùng cán bộ CLB đi chia sẻ với bà con ND và người trong tổ phố về tác hại của thuốc lá để mọi người có động lực bỏ thuốc. Nhờ sự động viên của gia đình và hàng xóm, ông đã cai nghiện thuốc lá thành công.
Để việc tuyên truyền có hiệu quả hơn, CLB còn tuyên truyền, vận động người thân của người hút thuốc, khuyên can họ hãy từ bỏ thuốc lá. “Mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của những người hút thuốc đã thay đổi và họ đã quyết tâm từ bỏ thuốc lá.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các CLB điểm về nói không với thuốc lá, nhiều năm qua, các cấp hội nông dân ở Tuyên Quang đã làm tốt công tác truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng như loa phát thanh của thôn, xã để nâng cao ý thức của người dân.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, Hội Nông dân Tuyên Quang không tổ chức những hội nghị quy mô, thay vào đó là xuống tận nơi như đến ngay tại bờ ruộng, các nương ngô, nương sắn tuyên truyền cho bà con hiểu. Phương châm tuyên truyền của Hội Nông dân Tuyên Quang là ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm và không cần phải ghi chép.
Nhờ gắn hoạt động tuyên truyền với thi đua khen thưởng, kịp thời động viên những người làm tốt và kiên quyết xử lý những hội viên không thực hiện nên tỷ lệ người bỏ thuốc lá của Hội Nông dân Tuyên Quang giảm mạnh.
Gần đây, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình, Ninh Bình và TP Hải Phòng đã tổ chức các cuộc thi, sân khấu hóa về PCTHTL. Thông qua hình thức sân khấu hoá các quy định của Luật PCTHTL; mối nguy hại của thuốc lá với sức khoẻ; các sáng kiến, giải pháp, mô hình thiết thực về PCTHTL được truyền tải thông điệp và được người xem đón nhận.
Đây là cách làm hay, mang lại hiệu quả cao giúp nông dân dễ nghe, dễ nhớ về Luật PCTHTL cũng như hậu quả mà thuốc lá gây ra, từ đó thay đổi hành vi, nhận thức tiến tới bỏ thuốc lá. Nhiều hội viên và tổ chức hội đã xây dựng được mô hình “Ngôi nhà không khói thuốc”, “Môi trường làm việc không khói thuốc”…
Đến nay, sức lan toả của phong trào đã tác động mạnh tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, hội viên nông dân đều có ý thức không hút thuốc nơi làm việc, chỗ đông người; tất cả các hội nghị đều không có người hút thuốc trong hội trường, những người nghiện thuốc đã có ý thức hút thuốc đúng nơi quy định.
Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho biết, các cán bộ, nhân viên của cơ quan Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã đi đầu nói không với thuốc lá, nhiều đơn vị thuộc Trung ương Hội có 100% số người không hút thuốc lá như: Ban Xã hội- Dân số, gia đình, Trung tâm Hỗ trợ ND, Ban Hợp tác quốc tế… nhiều cán bộ, nhân viên ở các cơ quan tỉnh, huyện Hội và Hội Nông dân xã đã bỏ thuốc lá…