Nhà nghèo hiếm muộn đón "quả ngọt"
- "Quả ngọt" sau 20 năm của cặp vợ chồng hiếm muộn
- 10 cặp vợ chồng hiếm muộn hộ nghèo sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí
- Công trình nghiên cứu làm thay đổi phương pháp hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn
- Những người chờ con ở "xóm hiếm muộn"
Đây là thông tin được chia sẻ tại Lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ 10 ca IVF miễn phí năm 2020 cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào ngày 25/7. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bệnh viện triển khai chương trình này.
“Trúng số” trên hành trình “săn con”
Cách đây 1 năm, tôi gặp thầy giáo Quách Văn Thị và vợ Nguyễn Thị Hồng Tiến (trú tại thôn Huổi Lục 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khi họ được chọn là 1 trong 10 cặp được BV miễn phí thực hiện kỹ thuật IVF. Vợ chồng thầy giáo Thị lúc đó đã ôm nhau xúc động, nước mắt tràn mi khi họ cơ hội đến với mong ước được làm cha mẹ. Bởi theo tâm sự của thầy Thị, thầy sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 người con ở Hòa Bình. Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng thầy vẫn không có mụn con. Trong một lần thu hoạch xong vụ sắn, thầy vay thêm tiền, dẫn vợ xuống 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám. Kết quả thầy tinh trùng yếu, vợ lại đa nang buồng trứng, nhưng do không có tiền nên vợ chồng họ đành gác lại việc chạy chữa.
Trước khó khăn của cuộc sống, thầy Thị xin lên miền núi làm giáo viên âm nhạc tại Trường PTDT bán trú tiểu học Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Vợ thầy khăn gói quả mướp đi theo chồng, làm nấu ăn tại trường. Do thường phải tới các điểm trường trong bản dạy học, cuộc sống vất vả, khó khăn, xa xôi khiến hai vợ chồng họ không có điều kiện đi bệnh viện chữa vô sinh. Khát khao có con luôn cháy bỏng, nhưng vì quá nghèo mà nhiều năm trôi qua, mơ ước cứ thế xa vời. Nhưng may mắn đã đến, khi biết tin Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội miễn phí IVF cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng thầy đã làm đơn. Khi hay tin đơn xin được IVF miễn phí của mình được xét duyệt và trở thành một trong 10 cặp vợ chồng may mắn đó, họ đã ôm nhau khóc nghẹn ngào.
Và "quả ngọt"sau 9 năm hiếm muộn là hai bé trai song sinh |
Một năm sau, niềm vui đến với gia đình thầy giáo Thị càng nhân lên gấp bội khi họ vừa đón cặp song sinh là 2 bé trai khỏe mạnh chào đời. Hạnh phúc đến muộn sau 7 năm vô sinh đã đơm hoa kết trái. Vợ thầy Thị tâm sự: “Nhờ BV hỗ trợ, em đã thành công ngay từ lần đầu chuyển phôi. Không chỉ vậy, BV còn chăm lo cho suốt cả thai kì. Nay nhà em đã được mẹ tròn con vuông, đón hai chuột chào đời. Gia đình còn định gọi hai bé là Nam Học để ghi nhớ về nơi đã mang con đến với thế giới này” .
Theo BV Nam học và Hiếm muộn, 10 cặp vợ chồng IVF miễn phí năm 2019 đã có 3 cặp sinh con khỏe mạnh như gia đình chị Triệu Thị Liên, anh Triệu Văn Sơn (Thôn Kim Long, Khánh Hòa, Lục Yên, Yên Bái) bị vô sinh 9 năm đã sinh đôi 2 bé gái và gia đình chị Phạm Thị Tơ, anh Vũ Văn Chí (Nam Định) cũng vô sinh 9 năm đã sinh 1 bé gái. Hiện tại, những gia đình khác như chị Lê Thị Hoàng Phương - anh Nguyễn Văn Miên (Thạch Thất, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hảo – anh Nguyễn Văn Hướng (Thái Nguyên)… cũng đang chờ từng ngày để đón con yêu. Các gia đình sẽ được bệnh viện theo dõi sát sao và hỗ trợ tối đa trong việc chăm sóc thai kì cho đến khi sinh nở.
Hạnh phúc vô bờ của vợ chồng anh Triệu Văn Sơn và vợ Triệu Thị Liên đón 2 "công chúa" mới sinh |
Theo chia sẻ của các cặp vợ chồng, có người không thành công trong lần đầu làm IVF, BV vẫn tiếp tục làm miễn phí cho các lần tiếp theo. Chính vì vậy, nhiều cặp làm IVF đến lần 2, lần 3 đã thành công.
Mang bao hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo
BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: Sau 1 tháng triển khai chương trình (bắt đầu từ ngày 12-6-2020), BV đã nhận được rất nhiều hồ sơ gửi về từ khắp cả nước. Hội đồng chuyên môn đã làm việc công tâm và xét duyệt kỹ lưỡng từng trường hợp. Cán bộ chuyên trách của BV cũng đã có chuyến khảo sát, thẩm định thực tế tại từng gia đình nộp hồ sơ xét duyệt IVF miễn phí và chọn ra 10 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn bộ 10 trường hợp được chọn sẽ được BV hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm IVF. Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần làm IVF có thể dao động từ 70 – 100 triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi….
Tại buổi lễ, câu chuyện về hành trình “tìm con” gian nan đã được các gia đình chia sẻ với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là trường hợp của chị Trần Thị Hương - anh Đàm Văn Tuân (Yên Sơn, Tuyên Quang) kết hôn 12 năm nhưng chưa có con. Anh Tuân bị tinh trùng yếu, thu nhập 2 vợ chồng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng vẫn cố dành dụm để “tìm con”, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Hay trường hợp chị Triệu Thị Xuân - anh Triệu Văn Thành (Bình Gia, Lạng Sơn), kết hôn năm 2015, đến năm 2017 thì đi khám và được bác sĩ tư vấn thực hiện kỹ thuật IVF. Tuy nhiên, hai vợ chồng không có khả năng thực hiện và cố gắng điều trị bằng thuốc nam nhưng không có kết quả. Đến năm 2020, vợ chồng tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, biết được chương trình hỗ trợ của BV nên đã nộp hồ sơ.
Lãnh đạo BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trao gói hỗ trợ miễn phí toàn bộ IVF cho 10 cặp vợ chồng nghèo |
Cũng có những trường hợp, ngoài áp lực về kinh tế thì trong cuộc sống, gia đình gặp không ít trớ trêu, trở ngại nhưng ước mơ làm cha, làm mẹ không vì thế mà vụt tắt. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Liên - anh Lương Văn Trường (Tân Mỹ, TP Bắc Giang, Bắc Giang). Bản thân anh không thể đi làm vì sức khoẻ yếu, phải chạy thận suốt 4 năm nay và bị tinh trùng yếu. Chị Liên đi làm ở khu công nghiệp, là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Nhiều năm nay, anh chị vẫn mong có được đứa con bế bồng dù biết sẽ nhiều gian nan.
Hay như cặp vợ chồng người dân tộc Tày Nông Thị Quỳnh - Ma Văn Toàn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cũng rơi vào tình cảnh éo le không kém. Kết hôn năm 2014, chờ mãi chưa thấy tin vui, hai vợ chồng đã đi khám và từng thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) 2 lần nhưng không có kết quả. Cả hai đi làm tại Phú Thọ, thu nhập chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng nhưng cũng phải gồng gánh lo thêm cho 2 người anh trai của anh Toàn vốn hay bệnh và thường xuyên phải đi viện...
Anh Vũ Văn Khải bị liệt do TNGT phải ngồi xe lăn đón nhận gói hỗ trợ miễn phí với mong ước vợ chồng họ có mụn con |
Một câu chuyện khác khiến nhiều người không nén được xúc động là gia đình chị Trần Thị Nga và anh Vũ Văn Khải (Gia Viễn, Ninh Bình). Tai nạn giao thông ập đến vào năm 2012 đã khiến anh Khải bị liệt do gãy 3 đốt sống lưng, phải ngồi xe lăn. Hiểu rõ tình cảnh của anh nhưng chị Nga vẫn yêu thương và chấp nhận anh. Cả hai quen nhau suốt 10 năm và vừa kết hôn năm 2019 dù gia đình chị Nga một mực ngăn cản. Chị hiện làm công nhân nhà máy, đồng thời gánh trọng trách phụng dưỡng bố mẹ chồng và vẫn khao khát vợ chồng sẽ có được một mụn con. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của anh phải thủ thuật lấy mô tinh hoàn tìm tinh trùng để thực hiện IVF.
BSCKII Nguyễn Khắc Lợi cho biết, có rất nhiều những hoàn cảnh đã phải chờ đợi 5 năm, thậm chí 10, 15 năm và chịu không ít áp lực từ phía gia đình, xã hội nhưng vẫn kiên trì nuôi hy vọng. Đứa con đối với họ không chỉ là khát khao mà còn giống như một “phép màu”.
Vợ chồng thầy giáo Quách Văn Thị... |
Nhân dịp này, BV Nam học và Hiếm muộn đã trao hỗ trợ 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí (nữ) và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí (nam) với giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca. Ngoài ra, hội đồng thẩm định còn quyết định hỗ trợ thêm cho 1 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt tuy chưa đạt đủ các yêu cầu về hồ sơ là gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - anh Nguyễn Danh Thỏa (Mai Hắc Đế, Nam Đàn, Nghệ An). Chị Hằng bị bỏng hóa chất năm 2012, thương tật đến 80%, hiện tại chị bị dính khớp háng rất khó khăn trong sinh hoạt nhưng niềm khao khát có được đứa con luôn cháy bỏng trong chị. Tổng chi phí hỗ trợ làm IVF cho trường hợp này là 56.482.000VNĐ trích từ Quỹ “Tấm lòng Vàng” của BV.
|