Nhộn nhịp nghề làm đầu lân ở xứ Huế

Thứ Năm, 20/09/2018, 08:29
Mỗi năm cứ đến dịp Tết Trung thu, các làng nghề làm đầu lân truyền thống ở Cố đô Huế lại tất bật, hối hả vào vụ sản xuất để cung ứng những sản phẩm đầu lân độc đáo đi khắp mọi vùng miền đất nước.

Một cái Tết Trung thu nữa lại về. Chúng tôi đến cơ sở sản xuất đầu lân truyền thống của gia đình bà Trương Thị Kim Chi (58 tuổi, ở phường Phú Hòa, TP Huế) và chứng kiến những người thợ nơi đây đang hối hả làm việc để kịp hoàn thành những chiếc đầu lân đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Bà Chi cho biết, nghề làm đầu lân là nghề “cha truyền con nối” và được gia đình gìn giữ, duy trì hàng chục năm qua. 

“Mỗi năm cứ đến dịp tháng 5 âm lịch thì các thành viên trong gia đình lại bắt tay chuẩn bị cho việc làm đầu lân để phục vụ thị trường Tết Trung thu. Do nhu cầu của khách hàng nên cơ sở của sản xuất rất nhiều loại đầu lân có mẫu mã, kích thước khác nhau, từ các đầu lân có kích cỡ nhỏ dành cho thiếu nhi, đến cỡ trung bình và cỡ lớn. Vì thế mà giá thành của đầu lân cũng dao động từ vài chục, vài trăm đến cả triệu đồng”, bà Chi cho hay. 

Các cơ sở làm đầu lân ở xứ Huế nhộn nhịp sản xuất hàng đưa ra thị trường Tết Trung thu.

Tại cơ sở bà Chi, chúng tôi được xem những “khuôn lân” tạo hình bằng những thanh tre lồ ô và mây rừng. Sau khi hoàn thành công đoạn này, đầu lân được thợ dán lên một lớp vải, lớp giấy rồi đem phơi nắng. Tiếp đó là công đoạn vẽ trang trí cho sản phẩm từ mắt, râu đến đuôi đầu lân được may bằng vải. 

“Để có được những đầu lân đẹp, bền thì đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỷ mẩn đến từng chi tiết vẽ hoa văn. Có như thế mới kết hợp hài hòa màu sắc giữa các bộ phận của chiếc đầu lân để thể hiện được sự dũng mãnh, uy vũ của lân. Với mục đích tạo ra những sản phẩm đầu lân tinh tế, đáp ứng thị hiếu của khách hàng nên bình quân mỗi dịp Tết Trung thu, cơ sở chúng tôi sản xuất khoảng 2.000 chiếc đầu lân các loại, cho thu nhập hàng chục triệu đồng”, một người thợ có nhiều năm kinh nghiệm làm đầu lân bày tỏ. 

Ngoài gia đình bà Chi, còn khá nhiều hộ dân ở phường Phú Hòa, TP Huế đang theo nghề sản xuất đầu lân truyền thống mang thương hiệu xứ Huế. Như gia đình ông Trương Hữu Tráng (45 tuổi) mỗi dịp Tết Trung thu cũng sản xuất hàng trăm chiếc đầu lân để cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác ở miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An…

Những ngày này, nhiều cơ sở sản xuất đầu lân trên đường Lê Duẩn (phường Phú Thuận, TP Huế) cũng tấp nập, nhộn nhịp không kém. Dù có đến 5 người thợ đảm nhận các công đoạn làm đầu lân nhưng cơ sở sản xuất của ông Trần Sinh Anh vẫn không thể hoàn thiện đủ sản phẩm để cung ứng cho các đơn hàng của khách ngoại tỉnh.

Ông Anh cho biết, cơ sở làm nghề đầu lân của gia đình đã tồn tại suốt 20 năm qua. Nhờ có nghề truyền thống này nên vợ chồng ông mới có điều kiện nuôi các con ăn học, trang trải cuộc sống gia đình. 

“Cơ sở tôi chủ yếu sản xuất đầu lân cỡ nhỏ và cỡ trung để phục vụ các cháu học sinh vui Tết Trung thu. Nếu năm ngoái chúng tôi làm hơn 1.000 sản phẩm thì năm nay số lượng đầu lân làm ra vượt hơn vài trăm chiếc bởi đơn hàng khách đặt quá nhiều. Ngoài mẫu mã thì chất lượng đầu lân cũng được cơ sở chú trọng đặt lên hàng đầu để đáp ứng nhu cầu người mua sắm…”, chỉ tay về những chiếc đầu lân vừa được hoàn thiện, ông Anh nói.

Cứ đến dịp Tết Trung thu, từ các con ngõ nhỏ đến mỗi tuyến phố lớn ở Cố đô Huế, cũng như các đô thị khác trong khu vực miền Trung, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống và từng đoàn múa lân biểu diễn phục vụ du khách, người đi đường thưởng lãm. 

Và có thể nói, chính những người thợ cần mẫn như bà Chi, ông Tráng, ông Anh… cùng nhiều gia đình làm nghề sản xuất đầu lân khác ở xứ Huế đã góp phần không nhỏ làm nên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc ta trong ngày Tết Trung thu.

Anh Khoa
.
.
.