Nhớ mùa cá ra sông

Thứ Tư, 10/02/2021, 16:07
Gió chướng thổi mạnh, cây so đũa trổ bông, báo hiệu mùa nước nổi ở vùng châu thổ Cửu Long sắp qua đi và năm mới sắp đến. Những ngày ấy, nước từ đồng lũ rút mạnh, chảy ra sông. Bầy cá tôm theo con nước đầu mùa lên đồng, sinh sôi, phát triển suốt mấy tháng liền nay quay ngược ra sông. Đây cũng là lúc nhiều ngư dân miền Tây kiếm được tiền nhờ bủa lưới...


“Du mục” trên đồng nước

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, mùa nước nổi các tỉnh đầu nguồn nơi nào cũng ngập tràn đồng, nhất là vùng trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... Đây chính là lúc khu vực đồng bằng đón phù sa, tôm cá từ thượng nguồn. 

Nhiều nhất vẫn là cá linh. Cá linh theo dòng nước vừa “trôi” vừa lớn dần. Ngư dân đón bắt lúc chúng còn rất nhí, chỉ bằng đầu đũa, gọi là cá linh non. Ba bốn tháng mùa nước nổi, cá lớn bằng ngón tay cái. Cho đến khi con nước kém cuối cùng của mùa nước (mùng 10 và 25-10, âm lịch) là lúc nước rút, cá theo con nước xuống các kênh rạch, tìm đường ra sông lớn, dân miền Tây gọi “ mùa cá ra sông”.

Cặp vợ chồng mưu sinh vào mùa nước nổi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thời điểm ấy, dọc theo kênh Vĩnh Tế đến đập tràn Tha La (An Giang), rất nhiều ngư dân thả lưới mưu sinh. Ông Hồ Văn Thể (ở xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) có hơn 20 năm làm nghề chài lưới cho biết, mùa cá ra sông, mỗi ngày ông “vô” bạc trăm. 

“Dân như tụi tui không đất canh tác, có được khoản thu nhập như vậy cũng đắp đổi qua ngày”, ngư dân này nói. Năm nào cũng vậy, tới mùa cá ra, vợ chồng ông “đóng đô” trên dòng kênh Vĩnh Tế. 4h sáng, hai vợ chồng đến các nhánh kênh rạch để quăng lưới.

Nhiều ngư dân gắn chặt cuộc đời với những cuộc mưu sinh trên đồng nước nổi. Họ đi biền biệt, ròng rã mấy tháng trời. Đón mùa cá ra xong, họ mới về nhà chuẩn bị “ăn tết”. Vợ chồng ngư dân trẻ Huỳnh Văn Tuấn đã 6 năm sống đời “du mục”, theo những người trong xóm ở xã Tân Quới (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Họ rong ruổi đến những cánh đồng ngập nước. Mặt trời còn chưa ló dạng, những người chài lưới như vợ Tuấn đã chộn rộn. 

Những chiếc xuồng máy đuôi tôm rời bến, tủa ra các kênh rạch, nhánh sông nơi có “cửa ngõ” đón những dòng nước đang rút cạn. Người nào chọn được khúc sông ưng ý, bủa lưới để đón đàn cá ra. Công việc này đòi hỏi hai người làm, người chống xuồng, người thả lưới. Có khi tới tận 5 đến 6h sáng, các ngư dân mới bủa lưới xong.

Sau đó họ tìm chỗ cắm sào, đậu xuồng rồi lo cơm nước. Ngư dân thu lưới xong đã là trưa đứng bóng. Ánh nắng trở nên gay gắt. Cặp vợ chồng ngư dân trẻ thoăn thoắt thu tay lưới, gỡ cá bỏ vô khoang xuồng. Tiếng cười nói lao xao cả khúc sông khi có người trúng luồng cá ra. Chiều muộn, cánh đàn ông cặp xuồng lại làm bàn, nướng cá, lai rai vài ly rượu đế. Cứ vậy, xóm “du lục” liên tục đi sâu vào các lung tràm đón cá ra, nơi những cánh đồng ngập lũ sắp cạn nước.

Ký ức đẹp mùa nước nổi

Kinh nghiệm của những ngư dân chuyên nghề chài lưới, vào tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, cá ra sông nhiều nhất là vào ngày mùng 10 và 25. Theo dòng nước cá tôm lội dưới kênh rạch, mang niềm vui đến cho những người sống trên sông. Vào cuối mùa nước, nhiều loại cá lóc, trê, mè vinh nặng cả ký lô. Các loại cá lớn ngoài tự nhiên được thương lái đặt hàng trước, sau đó chuyển đến thành phố lớn tiêu thụ. 

Ông Trần Văn Hạ là chủ của 20 công (2 ha) ruộng ở huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), năm nào cũng tranh thủ mưu sinh thêm nghề chài lưới. Với nhiều dân sống ven kênh rạch, vào mùa nước nổi, nghề chài lưới mang lại nguồn thu nhập đáng kể. 

“Những năm trước, vào mùa nước nổi là đồng ngập sâu nên cá nhiều lắm, không phải chỉ cá linh mà còn có cá lăng, mè vinh. Có hôm, tôi quăng lưới từ sáng sớm tới tối mịt, cá gần đầy xuồng mà chưa muốn về”, ông Hạ nói.

Mùa nước nổi mang lại sinh kế cho hàng triệu người dân ở miền Tây Nam bộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Hai ba năm rồi, nước lũ thấp nên cá tôm cũng ít theo. Lão nông Sáu Bé (ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang) với hơn 40 năm sống bằng nghề chài lưới, chia sẻ kinh nghiệm, đến mùa cá ra, phải chọn chính xác địa điểm để đón được luồng cá di chuyển. Mỗi loài cá có cách di chuyển và thời điểm di chuyển khác nhau. Nhìn con nước chảy, địa hình, tôi có thể đón được đàn cá ra. Khi đó, chỉ cần thả lưới là có thể chặn được dòng cá.

Sản vật tự nhiên ngày càng ít ỏi, người theo nghề thưa thớt dần. Những ngư dân già quyết bám trụ với nghề như Sáu Bé đếm không giáp đôi bàn tay. Nhưng nêu lý do chính cho sự “yêu nghề” của mình, lão ngư dân tóm gọn: “Không có nghề gì khác, cục đất chọi chim cũng không có”. 

Lão kể trước đây, nói đến miền Tây phải kể là vựa cá, vựa mắm và số lượng người dân sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi nhiều vô kể. Thời điểm mùa cá ra kênh rạch, sông lớn thường xuất hiện những chiếc ghe đục chở cá vì số lượng đánh bắt được rất nhiều. 

“Hồi trước, đổ dớn, cất vó gạt, đóng đáy bắt cá nhiều lắm, phải tính bằng giạ như đong lúa - gạo, chứ đâu phải tính ký như bây giờ. Hồi đó tới mùa cá ra, cả xóm đốt đèn ống khói. Nhà nào khá thì có đèn măng-sông thức trắng đêm bắt cá, tiếng cười reo vui vì trúng luồng cá lớn, tiếng í ới gọi nhau vui hết sức. Làm một mùa, ăn một năm, tụi tui phải làm khô, làm mắm để ăn quanh năm, còn làm quà biếu cho họ hàng trong ba ngày Tết nữa”, ngư dân già hướng mắt ra cánh đồng nước đang cạn dần, sống lại trong miền ký ức.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long cho biết, nguồn thủy sản nước ngọt ở miền Tây có sản lượng rất lớn, đóng vai trò quan trọng kinh tế và văn hóa của người dân. 

Những năm gần đây, thủy sản tự nhiên suy giảm nhanh chóng và gần như cạn kiệt do nguyên nhân. Nguyên nhân từ bên ngoài, tình hình hạn cực đoan của lưu vực Mê Kông trong những năm gần đây. 

Nguyên nhân nội tại ở đồng bằng sông Cửu Long, sự thiếu môi trường cho cá sinh sống do đê bao khép kín khắp nơi, lục bình bùng phát che kín mặt nước và đánh bắt quá mức.

Như Anh
.
.
.