Kêu gọi các nhà khoa học kiểm chứng xả thải từ nhà máy giấy Lee&Man

Thứ Ba, 04/04/2017, 20:28
Các hộ dân sống xung quanh nhà máy giấy Lee&Man (thuộc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, đặt tại huyện Châu Thành, Hậu Giang) mong muốn nhà khoa học giúp đỡ trong việc kiểm chứng xả thải đảm bảo môi trường từ nhà máy.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, một người dân tại thị trấn Mái Dầm đề nghị: “Chúng tôi ở đây không biết gì về khoa học. Do đó, việc nhà máy hứa cam kết đảm bảo môi trường tốt, thì người dân cũng không biết được. Bà con đề nghị, các nhà khoa học vào cuộc làm rõ để tạo sự công bằng. Chẳng hạn, những lúc tụi tôi phát hiện được sự cố môi trường thì nhờ nhà khoa học đến lấy mẫu phân tích để mình có tiếng nói”. 

Theo ông Trần Phong, Cục trưởng Cục môi trường miền Nam, cần có bên thứ ba để xác nhận việc này, như chính quyền địa phương. Còn về lấy mẫu, phải được các cơ quan có chức năng trưng cầu các đơn vị có khả năng kiểm định được Nhà nước cấp phép, có đủ năng lực kiểm định thì việc này mới có giá trị pháp lý.

Xung quanh vấn đề này, chiều 3-4, người dân sống xung quanh nhà máy giấy Lee&Man đã có buổi đối thoại với đại diện Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam. Buổi đổi thoại do Tổng cục Môi trường (Bộ TT-MT) tổ chức. Tại đây, ông Trần Phong cũng  đã thông tin với bà con, có sự chứng kiến của đại diện công ty, về bụi như phản ánh của người dân có thể phát sinh từ kho chứa than đá và trên công trình thi công của nhà máy.

Nhà máy giấy Lee&Man.

Đại diện Nhà máy giấy giải thích rằng, tiếng ồn xuất phát từ khu giải nhiệt nước làm mát hệ thống nhà máy nhiệt điện và do khâu vận hành ngưng hoạt động và hoạt động trở lại, thiết bị bảo trì. Mùi hôi thì có 4 khu vực phát sinh mùi hôi: nơi thu bùn về để đưa từ hệ thống xử lý nước thải ra hệ thống ép bùn; nơi ép bùn, đóng bánh rớt xuống thành bùn khô; từ hệ thống hiếu khí; khu vực đốt khí metan, khí dư. Thông cáo báo chí của Công ty cũng nêu rõ: “Trong quá trình vận hành thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề phát sinh và có thể giải quyết tốt hơn và đang thực hiện”.


Các hộ dân phản ánh từ khi nhà máy vận hành thử nghiệm, họ phải chịu tiếng ồn, bụi và mùi hôi. 

Được biết, nhà máy giấy Lee&Man đã có báo cáo ĐTM mới nên báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2008 không còn giá trị. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho hay, ông cũng chưa tiếp cận được với bản báo cáo ĐTM mới của nhà máy giấy. “Vấn đề ở đây là tính minh bạch, ĐTM mới không có tham vấn, công bố rộng rãi nên có nhiều lo ngại cho dòng sông Hậu”. Theo ông Thiện, ước lượng thuỷ sản nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 220.000-440.000 tấn/năm. Sản lượng thủy sản ven biển 500.000-700.000 tấn/năm, tương đương 50% sản lượng thủy sản biển của Việt Nam. Thủy sản có vai trò quan trọng về thu nhập và dinh dưỡng của người dân.

“Vì sông Hậu rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến hàng triệu người nên nếu xảy ra rủi ro từ nhà máy giấy thì sẽ dẫn đến thảm họa”, ông Thiện nói. Trước tình hình này, ông Thiện đề nghị, nhà máy cần trình bày minh bạch bài toán cân bằng vật chất từ đầu vào sản xuất giấy đến tất cả các đầu ra, tham vấn cộng đồng một cách có ý nghĩa, kiểm chứng độ chính xác của các kết quả dự báo tác động trong ĐTM, kiểm chứng tác động trên thực tế đối với: hệ sinh thái tự nhiên, kinh tế xã hội và cần có cơ chế khiếu nại, tiếp nhận thông tin, và phản hồi khi cộng đồng bị ảnh hưởng.

Ông Thiện cũng cho rằng, phía Lee&Man phải có trách nhiệm chứng minh nhà máy của họ là vô hại đối với dòng sông và cộng đồng hàng chục triệu người dân vùng Tây sông Hậu. 

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ đã có kiến nghị với UBND TP vì nhà máy giấy Lee&Man nằm cặp sông Hậu, tiếp giáp với TP Cần Thơ. Mọi hoạt động của công ty này gắn liền với nguồn nước sông Hậu và cấp nước cho Cần Thơ. Ông Thế nói: “UBND TP Cần Thơ cần đề nghị với tỉnh Hậu Giang cung cấp về các số liệu đo đạc, quan trắc từ nhà máy để nắm tình hình. Sở TN-MT có thể bố trí những điểm quan trắc tự động, gần những điểm tiếp giáp với nhà máy giấy để có cảnh báo kịp thời”.   
Văn Vĩnh - Minh Hào
.
.
.