Nhiều nguy hiểm, tai nạn rình rập trẻ em dịp hè

Chủ Nhật, 24/06/2018, 07:25
Những tai nạn thương tích xảy ra ngay xung quanh nơi trẻ sống, thậm chí thủ phạm là những đồ vật, con vật ở ngay trong nhà mình.  Chính vì vậy, phòng tránh và hướng dẫn kỹ năng cho trẻ chơi an toàn trong dịp hè là việc vô cùng cần thiết.


Sự việc một cháu bé 6 tuổi ở phường Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) trong lúc chơi đùa bị chậu cây cảnh (bên trong có hòn non bộ bằng đá sắc nhọn) đổ vào người làm cháu bị vỡ gan, đứt đôi tụy, chấn thương vùng đầu;

Hay trong lúc chơi ở nhà hàng xóm, bé trai 6 tuổi ở Hà Nội bị trượt chân ngã va vào tủ kính đựng ấm chén làm cháu suýt cắt bỏ bàn tay phải là những tai nạn hết sức hy hữu. Phòng tránh và hướng dẫn kỹ năng cho trẻ chơi an toàn trong dịp hè là việc vô cùng cần thiết.

Những tai nạn hy suýt mất mạng

Kể lại nỗi hoảng sợ cho bác sĩ, mẹ cháu Bùi Văn Cường (6 tuổi, ở phường Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) run rẩy, chị không ngờ hai đứa con chơi đùa trong nhà mà khiến con trai nhỏ bị thương nặng. Ngày 18-6, cháu Cường chơi cùng chị gái ở nhà đã bị chậu hoa đổ vào người. 

Trong chậu hoa có một hòn non bộ lớn bằng đá sắc nhọn làm cháu bị đa chấn thương nặng. Gia đình vội vã đưa cháu vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu. Kết quả, cháu bị chấn thương vùng bụng kín, vỡ gan độ IV, đứt đôi tụy và chấn thương vùng đầu lộ bản xương kích thước 15x4cm và 10x2cm. Đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng với một cháu bé 6 tuổi.

Phải cho trẻ vui chơi ở những nơi an toàn để tránh tai nạn thương tích.

Các bác sĩ xác định cháu bị thương rất nặng, đã khởi động quy trình báo động đỏ bệnh viện. Hai kíp phẫu thuật cùng lúc tiến hành song song mổ cấp cứu cho cháu Cường. Cháu đã được các bác sĩ cứu khỏi bàn tay tử thần. Niềm vui vỡ òa trên gương mặt giàn giụa nước mắt của cha mẹ và người thân cháu bé. 

Những tổn thương mà cháu phải gánh chịu còn mất nhiều thời gian bình phục, nhưng “đây là bài học mà gia đình tôi phải hết sức chú ý khi cho trẻ vui đùa ở những nơi có đồ vật nguy hiểm, dễ đổ vỡ” - một người thân cháu bé cho biết. 

Đây là một trong những trường hợp gặp phải tai nạn thương tích nguy hiểm xảy ra hè này với trẻ. Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật cứu bàn tay phải cho cháu Nguyễn Mạnh Long (6 tuổi, ở Hà Nội). Tối 10-6, trong lúc chơi ở nhà hàng xóm, cháu Long bị trượt chân ngã vào tủ kính đựng ấm chén. Cú va chạm khiến tủ kính bị vỡ, còn cháu Long không may bị thủy tinh cứa vào cổ tay. 

Cháu được đưa vào bệnh viện gần nhà sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. BS Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương), người trực tiếp phẫu thuật bàn tay cho cháu Long kể: “Cháu bị tổn thương rất nghiêm trọng, đứt toàn bộ động mạch quay, động mạch trụ, thần kinh giữa, thần kinh trụ, đứt gân gấp 4 ngón tay. 

Nếu không được phẫu thuật kịp thời, nguy cơ phải cắt bỏ bàn tay phải của bệnh nhi là rất lớn”. Sau 3h phẫu thuật, cánh tay của cháu bé đã được cứu. Theo các bác sĩ, đây là ca phẫu thuật tương đối khó vì các động mạch rất nhỏ, bệnh nhi lại bị đứt cả 2 động mạch. Tuy cháu đã bình phục, nhưng để bàn tay có thể cử động bình thường, cháu phải cần một quá trình hồi phục chức năng.

Theo BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng Khoa phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì hè này bệnh viện đã phẫu thuật tạo hình cho một cháu bé ở Ba Vì bị chó trong nhà nuôi cắn nát mặt. Trước đó, bệnh viện cũng tái tạo vành tai cho một bé gái 18 tháng tuổi ở Đông Anh bị chó cắt đứt. 

Cháu bé sang hàng xóm chơi bị chó cắn vào vùng hàm mặt. Tuy mẹ bé đã cố gắng kéo con chó ra nhưng hậu quả để lại vẫn nặng nề. Theo BS Thơm thì cháu bé bị tổn thương khá hiếm gặp, do đó các BS phải tiến hành 2 lần phẫu thuật mới tái tạo được vành tai cho cháu.

Tạo không gian chơi an toàn cho con trẻ

Những tai nạn thương tích xảy ra ngay xung quanh nơi trẻ sống, thậm chí thủ phạm là những đồ vật, con vật ở ngay trong nhà mình. Tại Khoa Chỉnh hình Nhi (BV Nhi Trung ương) mỗi năm tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn thương tâm ở trẻ nhỏ. Tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch là một trong những trường hợp nghiêm trọng và rất có thể gây ra tử vong ở trẻ nếu không được sơ cứu đúng cách. 

Đặc biệt, tại Khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị hóc dị vật gây tắc nghẽn đường thở vào mỗi dịp nghỉ hè. Có những đồ vật thông dụng trong gia đình hay thức ăn tưởng như là vô hại lại trở thành nguy hiểm về đường hô hấp của trẻ như hạt lạc, hạt ngô, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá kim loại, mảnh nhựa… 

Có trẻ nuốt phải dị vật lại không được phát hiện sớm, khi dị vật đi vào đường thở gây khò khè, khó thở, sốt thì gia đình mới đưa đi khám.

Cháu Nguyễn Bích Vân (15 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị khò khè, khó thở 1 tháng gia đình mới đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Gia đình cho cháu đi khám ở ngoài thì bảo viêm phế quản, nhưng khi bác sĩ ở Bệnh viện Nhi nội soi cấp cứu đã gắp ra 2 mảnh quất hồng bì trong khí quản và phế quản gốc phải của cháu. 

Dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời. Lứa tuổi hay gặp nhất là từ 6 tháng đến 4 tuổi. Vì vậy theo khuyến cáo của BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu và Chống độc thì nếu trẻ có biểu hiện ho sặc sụa sau khi ăn thì phải nghĩ ngay đến dị vật đường thở và phải xử trí ban đầu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Để phòng ngừa tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ em, bên cạnh việc hướng dẫn, tạo những không gian vui chơi an toàn cho con em mình, các bậc cha mẹ cũng rất cần trang bị những kiến thức sơ cấp cứu vết thương. Với những vết cứa ở cổ tay, cổ chân, theo BS Lê Tuấn Anh, tuyệt đối không được tự ý rửa vết thương vì khi vệ sinh vết thương không đúng cách có thể khiến nạn nhân bị nhiễm khuẩn.

Trần Hằng
.
.
.