Nhiều ngư dân khốn đốn vì cửa biển bị bồi lấp

Thứ Ba, 27/08/2019, 07:22
Những năm gần đây người dân nghề biển ở Cảnh Dương đang phải đối với mặt với rất nhiều khó khăn khi cửa biển sông Ròn bị bồi lấp nghiêm trọng. Ngư dân đang cần một giải pháp và chính sách để tháo gỡ.


Chúng tôi về làng biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nơi bao thế hệ người làng nơi đây gắn bó với nghề biển. Nhiều năm qua, người làng biển Cảnh Dương đóng thuyền to, lưới lớn vươn xa đánh bắt thủy hải sản vừa làm giàu, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tuy nhiên, những năm gần đây người dân nghề biển đang phải đối với mặt với rất nhiều khó khăn khi cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng. Ngư dân đang cần một giải pháp và chính sách để tháo gỡ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiến ngư dân ở Cảnh Dương rơi vào cảnh khốn đốn đối mặt với biển cả là do cửa biển sông Ròn bị bồi lấp, tàu lớn không thể ra vào; trong khi giá thủy sản ngày càng giảm. 

Ông Lê Ngọc Tình, một chủ tàu ở xã Cảnh Dương cho biết: “Nếu đúng ra thì sau nghỉ trăng tất cả tàu của Cảnh Dương sẽ ra khơi nhưng hiện nay có 2/3 trong số mấy trăm tàu phải nằm bờ. Không thể ra khơi, chúng tôi sợ bị lỗ vốn. Tình hình cứ như thế này 1 năm nữa thì bà con ngư dân Cảnh Dương chắc không thể hoạt động đánh bắt được nữa”. 

Chị Đậu Thị Luyện, tiểu thương thu mua hải sản ở xã Cảnh Dương cho biết: Hiện nay, hàng trăm tàu cá phải nằm bờ. Vì khi ra khơi trở về hầu hết đều bị mắc kẹt không thể vào bờ. Năm 2018, mỗi chuyến đi biển về các bạn tàu thu hơn 10 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 5 triệu, có khi trắng tay. Do đó bạn tàu bỏ việc, tàu nằm bờ không dám ra khơi.

Toàn xã Cảnh Dương có gần 650 tàu thuyền. Trong đó khoảng 400 tàu có công suất trên 90CV cùng 20 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt thủy sản xã Cảnh Dương giảm. Với việc hàng trăm tàu cá không ra khơi thì hệ lụy kéo theo rất lớn. Các chủ tàu không có đủ tiền để trả nợ vay, nợ dầu, nợ các loại phí tổn… 

Các đơn vị dịch vụ nghề cá trên địa bàn xã Cảnh Dương như dầu, đá, sửa chữa đóng tàu… cũng không còn hoạt động như trước. Hiện trên địa bàn xã Cảnh Dương đã có 5 trường hợp phải bán tàu để đi làm ăn xa; có 7 trường hợp phải bán nhà để trả nợ… Trên bến thuyền hàng trăm con tàu nằm sát nhau và không biết lúc nào mới ra khơi. 

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Hiện nay đời sống của ngư dân Cảnh Dương hết sức khó khăn. Chúng tôi mong các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm để có biện pháp ổn định giá thủy sản, có chính sách thu mua hải sản để người dân yên tâm mỗi khi ra khơi. Đề nghị khơi thông cửa sông Roòn, cửa biển để đảm bảo ra vào đối với các phương tiện tàu thuyền. Năm 2018, số lao động trên biển của Cảnh Dương là 2.000 người, nay giảm xuống chỉ còn 1.400 người”.

Cũng cảnh ngộ như bà con ngư dân ở Cảnh Dương, hàng ngàn tàu, thuyền của ngư dân thường vào ra cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Cửa biển bị cát bồi lấp, tàu thuyền khó ra vào, buộc nhiều chủ tàu đành cho tàu nằm bờ bởi hàng chục vụ tai nạn nơi cửa biển này đã vùi lấp cả tàu thuyền của ngư dân. 

Không ít ngư dân Quảng Bình sau nhiều ngày lênh đênh đánh cá trên biển lại phải vượt hàng trăm kilômét vô Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… tìm chỗ neo đậu. Vì không mấy ai dám vượt điểm giao nhau ở cửa sông và cửa biển Nhật Lệ để vào cảng. 

Có những ngư dân tỉnh khác do không biết cửa biển Nhật Lệ bị cát vùi lấp nên khi cho tàu vào đã mắc cạn và bị sóng biển đánh cho tơi tả rồi nhấn chìm ngay cửa biển.

Được biết, trước đây, cảng Nhật Lệ là một trong những cảng cá lâu đời nhất miền Trung, nơi tấp nập thuyền bè qua lại neo đậu, bán hàng của hàng ngàn ngư dân trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Cảng cá từng có trên 20 nậu cá, mỗi nậu có 30 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó tàu ngoại tỉnh chiếm 2/3. Song mấy năm gần đây, cửa biển bị bồi lấp nên tàu thuyền không ra vào được, tàu ngoại tỉnh giảm hẳn.

Ngay cửa biển Nhật Lệ những cồn cát chất chồng mọc lên ngay giữa lòng sông, bóp chặt cửa biển như một yết hầu khổng lồ. Cách bờ biển không xa, những con tàu cứ ngấp nghé trông vào nhưng không thể vào. 

Ngoài yếu tố thiên nhiên, hai bên bờ sông nơi cửa biển những bức tường đá đang được dựng lên để xây kè đã phần nào làm những doi cát ngày càng được bồi lấp tạo thành lá chắn cát trên mặt sông nối biển. 

Anh Trần Văn Việt, một ngư dân ở phường Hải Thành, Đồng Hới từng nẫu ruột phân bua: Tàu đi trên biển hàng tháng trời, cách xa đất liền cả trăm kilômét thì không sao nhưng về đến cửa biển, sát đất liền lại gặp nạn do cát. Xăng dầu tăng giá đã làm ngư dân khó khăn, giờ đây thêm cửa biển cạn lại làm ngư dân như thêm khốn khó. Phía sau cửa biển Nhật Lệ là xã biển Bảo Ninh, nơi hiện có trên 400 tàu cá. Trong đó, Bảo Ninh có khoảng 300 chiếc tàu có công suất trên 90CV. Do cửa biển bị bồi lấp, hẹp luồng lạch nên nhiều tàu cá của xã biển này đành phải đi neo đậu nhờ ở các địa phương hoặc tỉnh, thành khác.

Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Bình và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan mời các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra được luận chứng khoa học cụ thể để có giải pháp khắc phục hiện tượng cửa biển ở Quảng Bình bị cát vùi lấp hoặc ngăn dòng để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển. Bởi các cửa biển không chỉ đơn thuần để phát triển nghề cá mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh, quốc phòng.

S.Lam - Đ.Thọ
.
.
.