Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học nữ có tiềm năng ứng dụng trong quân đội

Thứ Năm, 31/01/2019, 18:53

Tại hội thảo về khoa học công nghệ ứng dụng thực tế do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào 31-1, các nhà khoa học nữ đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thành công, có thể ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là phục vụ lực lượng vũ trang.



PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova cho biết đã nghiên cứu thành công loại sơn chống đạn, đã được thực nghiệm bằng đạn thật tại Campuchia. Vì thế, bà và đơn vị  Z117 (Bộ Quốc phòng) sẽ hợp tác để ứng dụng loại sơn này trên áo chống đạn nhằm giảm trọng lượng áo chống đạn.

Z117 cũng nghiên cứu để ứng dụng loại sơn chống cháy trên cả áo chống đạn và mũ chống đạn, rất hữu ích để đưa vào sử dụng trong quân đội. Các loại sơn này chịu nhiệt cao tới  800-1200 độ C so với sơn ngoại chỉ 500 độ C, khi cháy không gây ra khí độc và giá thành sơn của Việt Nam chỉ bằng 1/3.  

Đại diện Z117 hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với các nhà khoa học nữ

Công trình khoa học “Công nghệ cô đặc các dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường” của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên có ý nghĩa quan trọng giúp nông dân xử lý tốt hoa quả khi được mùa, có nguồn tiêu thụ ổn định.

TS. Hà Phương Thư –Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu thành công thiết bị thu sương không sử dụng năng lượng. Thiết bị nhỏ gọn, giá thành rẻ, nhưng có thể thu được khoảng 30 lít nước/ngày, cho phép khắc phục tình trạng thiếu nước sạch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt rất hữu ích cho các đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo và người dân nghèo ở các vùng cao.

Áo chống đạn của Việt Nam sẽ được sơn bằng sơn chống đạn và chống cháy

TS. Nguyễn Thị Thúy Hướng (Viện Công nghệ sinh học) nghiên cứu thành công  quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây nuôi cấy mô giống cây ba kích tím có năng suất, chất lượng cao, không bị sâu bệnh, giúp người dân có thu nhập cao từ những vùng đồi núi hoang vu, đất trống khi trở thành vùng dược liệu.


Dạ Miên
.
.
.