Nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ ở Huế được tái hoạt động

Thứ Năm, 16/04/2020, 11:07

Từ ngày 16/4, tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép các lĩnh vực dịch vụ hoạt động có kiểm soát, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); chợ dân sinh (trừ ăn uống tại chỗ); cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini; cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh; các trung tâm hành chính công; dịch vụ ngân hàng, bưu chính, viễn thông, điện, nước được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh...


Sáng 16/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh_ông Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành công văn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo công văn này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp đảm bảo giãn cách xã hội, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép các lĩnh vực dịch vụ hoạt động có kiểm soát, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); chợ dân sinh (trừ ăn uống tại chỗ); cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini; cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh; các trung tâm hành chính công; dịch vụ ngân hàng, bưu chính, viễn thông, điện, nước được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Công an TP Huế tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc chở chủ quán cà phê trên địa bàn chỉ được phép hoạt động bán hàng online để tránh tụ tập đông người.

Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa quả, trái cây; cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas, khí đốt; các lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, điện, nước, cơ khí được phép mở cửa hoạt động nhưng không được tập trung quá 10 người; chủ cơ sở phải có cam kết bằng văn bản việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Riêng các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, nước giải khát chỉ được phép hoạt động bán hàng online, đặt hàng qua mạng, điện thoại và giao hàng tận nhà.

Các cơ sở y tế, khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh thuốc y tế phải có phương án cụ thể giám sát chặt chẽ bệnh nhân, người chăm sóc; kịp thời phát hiện và nắm thông tin các người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở để thông báo ngay cho các đội phản ứng nhanh.

Các trung tâm thương mại, chợ dân sinh (trừ ăn uống tại chỗ) được tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép hoạt động có kiểm soát.

Những cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người như chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, karaoke, massage, cơ sở spa, phòng tập thể dục hoặc câu lạc bộ sức khỏe, vũ trường, quán bar, quán internet; nhà hàng quán ăn phục tại chỗ; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú... được yêu cầu tạm dừng hoạt động đến hết ngày 22/4.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Để tăng cường công tác đảm bảo ANTT địa bàn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế còn yêu cầu lực lượng Công an tỉnh tăng cường công tác giữ gìn ANTT; tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tín dụng đen, trộm cắp, cướp giật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.


Anh Khoa
.
.
.