Nở rộ dịch vụ “Đi chợ giùm” trong mùa dịch

Thứ Hai, 13/04/2020, 08:00
Kể từ khi áp dụng giãn cách xã hội từ đầu tháng 4 đến nay, tình trạng người dân ùn ùn kéo nhau đi mua sắm tại các chợ, siêu thị... đã giảm mạnh. Thay vào đó, dịch vụ “đi chợ giùm” phát triển...


Trong những ngày qua, tại các hệ thống siêu thị không còn cảnh khách hàng chen lấn nhau để mua hàng dự trữ mùa dịch, mà chỉ có lác đác vài khách hàng mua sắm, trong khi hàng hóa trưng bày đầy ắp trên các quầy kệ. Các hệ thống phân phối cũng đã áp dụng khoảng cách 2m giữa khách hàng với nhân viên tại khu vực thu ngân. Các nhân viên thu ngân đều mang khẩu trang, đeo kính và bao tay phòng hộ. Một số siêu thị còn linh động lắp thêm tấm chắn trước quầy thu ngân để đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) ngại đi mua sắm trực tiếp để tránh tiếp xúc, thay vào đó là tăng cường mua sắm online, các hệ thống bán lẻ đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, đưa hàng hóa lên giới thiệu trên website đủ các loại mặt hàng, với đầy đủ thông tin sản phẩm, giá cả cụ thể. 

Đặc biệt, các bà nội trợ ngại ra khỏi nhà, các siêu thị tăng cường giới thiệu các loại hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ... là bữa ăn hàng ngày trong mỗi gia đình.

Nhân viên siêu thị đi chợ giúp khách hàng.

Tại chuỗi Bách Hóa Xanh gồm 500 cửa hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai dịch vụ “Đi chợ giùm” để đáp ứng nhu cầu của NTD. Khách hàng chỉ cần vào trang web của hệ thống, chọn sản phẩm cần mua thì chỉ cần 30 phút sau sẽ có nhân viên cửa hàng đến tận cửa giao hàng cho khách.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh, NTD lựa chọn kênh mua hàng không tiếp xúc trực tiếp như mua hàng qua điện thoại, dịch vụ giao hàng tận nhà, đặt hàng trên web tăng mạnh.Trong tuần đầu tiên cả nước thực hiện hạn chế đi lại, lượng đơn đặt hàng qua điện thoại tại đơn vị tăng gần 50% so với tuần trước đó.

Tương tự, các hệ thống siêu thị Big C, LotteMart... số lượng đơn hàng đặt qua online, qua điện thoại cũng tăng đột biến. Có thể thấy, với dịch vụ giao hàng tận nhà, các hệ thống bán lẻ đã giải quyết được tâm lý lo ngại của NTD là đi mua sắm ở các điểm đông người, và với dịch vụ này, các nhà bán lẻ cũng đã đảm bảo được doanh số bán hàng trong mùa dịch.

Không nằm ngoài “cuộc chơi”, một số hãng gọi xe trực tuyến cũng tham gia thị phần mới mẻ này khiến dịch vụ “Mang chợ về nhà” càng trở nên nhộn nhịp, cạnh tranh, và NTD có nhiều sự lựa chọn. Mới đây, ứng dụng Grab đã triển khai thử nghiệm GrabMart (đi siêu thị) cho người dùng tại TP Hồ Chí Minh và hãng gọi xe trực tuyến beGroup cũng ra mắt dịch vụ "Bé đi chợ" cũng với mục đích là mua đồ hộ khách hàng trong thời điểm dịch bệnh.

Theo đó, với dịch vụ Grab Mart, NTD có thể lên ứng dụng để tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm từ các đối tác liên kết của Grab là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Còn với dịch vụ “Bé đi chợ”, khách hàng có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu có thể yêu cầu tài xế "đi chợ giùm" siêu thị, cửa hàng tiện lợi... mà khách đã chọn. Lượng hàng hóa tài xế “đi chợ giùm” có hóa đơn không quá 1 triệu đồng.

Khi nhận hàng, ngoài thanh toán tiền mua hàng, khách hàng phải trả thêm cho tài xế 30.000 đồng phí thu hộ và cước phí vận chuyển 2km đầu tiên 14.500 đồng, mỗi kilômét tiếp theo 5.500 đồng. Ngoài các nhà bán lẻ, một số hãng gọi xe trực tuyến, thì tại TP Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều công ty, cá nhân cung ứng dịch vụ đi chợ online cho NTD như: Adayroi, đi chợ nhanh, đi chợ dùm bạn, 3sachfood...

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã làm thay đổi trong hành vi mua sắm của NTD tại Việt Nam. Xu hướng mua sắm trực tuyến đang chiếm ưu thế và bùng nổ, thay thế dần mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị...

Mặc dù ngành dịch vụ này đang trong giai đoạn ăn nên làm ra, nhưng để giữ vững vị thế trong lòng khách hàng cũng là thách thức lớn. Bởi theo các chuyên gia, vấn đề của mua sắm online không chỉ là tìm kiếm khách hàng mới, mà còn là giữ chân những khách hàng này. Trong đó, những yếu tố quan trọng nhất cần đảm bảo là chất lượng dịch vụ, giá cả phù hợp và mức độ tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến.

Ngoài ra, dịch vụ “Đi chợ giùm” đã giải quyết được khâu mua giúp hàng hóa, vận chuyển đến tận nhà cho NTD. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng mặn mà với dịch vụ này.

Chị Bảo Ngọc (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) cho rằng: “Dịch vụ này bất tiện ở chỗ phải đặt hàng với hóa đơn trên 200.000 đồng hoặc trên 300.000 đồng thì mới được ship. Trong khi đó, nhiều khi khách hàng mua không tới giá đó, cũng buộc phải đặt thêm những thứ chưa cần thiết. Ngoài ra, hàng hóa ship tới không phải lúc nào cũng đảm bảo độ tươi ngon như khi mình đi chợ lựa chọn trực tiếp.

Nói chung, dịch vụ “Đi chợ giùm” rất cần thiết trong mùa dịch, nhưng nếu khắc phục được các yếu tố trên, thì dịch vụ này phát triển không chỉ trong đợt dịch bệnh, mà kể cả sau khi dịch bệnh kết thúc”.

T.Hà – T.Giang
.
.
.