Nhiều hồ đập vật vã khô khát bất thường giữa mùa mưa
Tìm hiểu được biết, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 48 hồ chứa dung tích nhỏ, 5 hồ dung tích từ 3-10 triệu m³, 2 hồ có dung tích từ 10-100 triệu m³ và 1 hồ có dung tích trên 100 triệu m³. Đáng lo ngại, phần lớn các hồ chứa vừa và nhỏ đều đang trong tình trạng thiếu nước.
Cụ thể, các hồ Khe Ngang, Mỹ Xuyên, hồ Truồi, Hòa Mỹ hiện có dung tích hữu ích chỉ đạt 20-50%. Các hồ chứa lớn có mực nước thấp hơn mức bình thường từ 10,6-29m, như hồ thủy điện Bình Điền có dung tích 423 triệu m³ nước, nhiều năm qua hồ này đã góp phần giảm độ sâu ngập lũ chính vụ cho khu vực TP Huế, giải quyết một phần thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu và đẩy mặn trong mùa khô khu vực đồng bằng sông Hương.
Nhưng hồ này có mực nước hiện tại chỉ đạt 55m, cao hơn mực nước chết 2m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 30m, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 khoảng 14m. Tương tự, hồ Tả Trạch có mực nước 24m, thấp hơn cùng thời điểm năm 2017 khoảng 2,5m, hiện hồ đang duy trì lưu lượng trung bình ngày qua tuabin khoảng 15m³/s…
Tương tự, hồ thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ có nhiệm vụ quan trọng trong việc điều tiết lũ, giữ nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du. Song mực nước ở hồ này cũng rơi vào tình trạng “báo động”, chỉ đạt 47,8m, cao hơn mực nước chết 1,8m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 10,2m. Mực nước hồ thủy điện Hương Điền sụt giảm khiến lượng nước đổ về sông Bồ chảy qua địa bàn huyện Quảng Điền giảm đáng kể.
Hồ Tả Trạch đang khô hạn nghiêm trọng do lượng mưa ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế quá thấp. |
Ông Nguyễn Văn Bảy (ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) cho biết: “Nếu như những năm trước, vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, địa bàn thường bị ngập lụt thì năm nay chưa đón nhận một cơn lũ nào. Tình trạng khô hạn nếu kéo dài thì vào vụ mùa Đông Xuân, nông dân chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ mất mùa, chuột bọ hoành hành, đất đai khô cằn, thiếu dinh dưỡng cho đồng ruộng do không có phù sa bồi đắp”.
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận định, với tình hình lượng mưa quá thấp như hiện nay nếu kéo dài thì vào mùa khô năm sau, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với hạn hán. Thực trạng này không những khiến các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực sản xuất điện gặp khó mà nông dân chính là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán gây ra.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, để mực nước các hồ chứa dâng ở mức bình thường thì từ nay cho đến khi kết thúc mùa mưa 2018, hồ Tả Trạch cần có tổng lượng mưa là 1.300mm; hồ Hương Điền cần tổng lượng mưa 2.000mm và hồ Bình Điền cần khoảng 1.700mm. Thế nhưng, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổng lượng mưa trong 3 tháng cuối năm 2018 ở địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 60 đến 80%, thấp hơn lượng mưa trung bình so với các năm trước nên để có lượng nước lớn bổ sung cho các hồ, đập là rất khó…
Trước thực trạng khô hạn xảy ra, mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Công thương, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Ông Phương nhận định, diễn biến thời tiết bất thường với lượng mưa ít nên xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản của người dân vùng hạ du.
Vì thế, tỉnh đã yêu cầu các chủ hồ chứa theo dõi, bám sát diễn biến thời tiết để vận hành hồ chứa theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu các Sở ngành, đơn vị liên quan có kế hoạch điều chỉnh, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm nước để đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh, hoạt động sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế trong mùa khô 2019...