Việc đền bù, hỗ trợ, chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh Bắc miền Trung:

Nhiều địa phương lúng túng trong việc thống kê đền bù, hỗ trợ

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:44
Sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, các bộ, ngành chức năng liên quan, chính quyền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế khẩn trương triển khai việc đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại; giúp đỡ bà con ngư dân ven biển sớm chuyển đổi sinh kế phù hợp với điều kiện hiện tại và sau này. Thế nhưng vẫn có không ít địa phương, những việc làm này là chưa phù hợp với thực tế.

UBND thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, đang lúng túng trong việc thống kê, phân chia thế nào số tiền dự kiến đền bù, hỗ trợ người dân theo các quyết định, hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng liên quan và chính quyền các cấp huyện, tỉnh. Bởi vì thực tế ở địa phương này có thể khác so với những địa phương khác bị ảnh hưởng. Cụ thể, căn cứ theo các quyết định, văn bản hướng dẫn trên, thì đối tượng được ưu tiên đền bù, hỗ trợ phải là lao động biển trực tiếp, đồng thời mức đền bù là khác nhau; căn cứ theo mức thu nhập của từng đối tượng cụ thể.

Bà con ngư dân thị trấn Cửa Việt tiếp tục vươn khơi bám biển.

Nhưng ở thị trấn Cửa Việt, từ sau sự cố môi trường biển xảy ra, những lao động biển trực tiếp, làm ăn lớn hầu như không bị ảnh hưởng…

Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, giải thích: Thị trấn có 1.356 hộ dân, trong đó lao động biển trực tiếp trên 800 hộ, với 90 tàu cá có công suất từ trên 90CV đến gần 900CV và 74 tàu cá khác có công suất từ 90CV trở xuống. Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại khiến cá biển 4 tỉnh miền Trung chết trắng vào tháng 4-2016. Nhưng từ tháng 5-2016 đến nay, tất cả tàu cá từ trên 90CV trở lên của địa phương vẫn hoạt động đánh bắt thủy hải sản bình thường. Thậm chí, sản lượng thu được còn vượt so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo kế hoạch được đưa ra đầu năm, sản lượng thủy hải sản năm 2016 của địa phương phấn đấu đạt 5.500 tấn (cao hơn năm 2015). Nhưng từ tháng 5-2016 đến thời điểm hiện tại (19-9-2016), bà con ngư dân đã đánh bắt được tổng cộng 4.800 tấn thủy hải sản. Cũng theo kế hoạch trên, năm 2016 địa phương phấn đấu hấp sấy 3.000 tấn cá; nhưng chỉ chưa đầy 5 tháng, kể từ tháng 5-2016 đến nay, đã hấp sấy được 4.200 tấn cá.

Về giá cá, do bị ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng và thương lái “lợi dụng” tình hình để ép giá, nên giá cả có giảm, nhưng không đến mức phải chịu thiệt hại nặng nề. Chẳng hạn, giá cá nục trước đây khi chưa bị sự cố môi trường biển, dao động từ 12 đến 14 nghìn đồng/kg, nay giảm xuống nhưng vẫn còn 8 đến 10 nghìn đồng/kg...  

Trong khi đó, những đối tượng không phải là lao động biển trực tiếp, nhưng lại bị ảnh hưởng rất nặng nề từ sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Cụ thể, địa phương có 46 hộ gia đình kinh doanh, buôn bán ở bãi biển, với tổng cộng gần 200 lao động. Suốt gần 5 tháng nay, các hàng quán này hầu như vắng khách; nhiều quán đã phải đóng cửa, chuyển nghề nhưng rất bấp bênh do không tìm được sinh kế phù hợp. Do thực tế thiệt hại ở địa phương có thể khác so với tình hình chung ở những địa phương khác, nên việc thống kê, phân chia số tiền đền bù, hỗ trợ theo dự kiến cho bà con nhân dân theo các quyết định, hướng dẫn như đã nói ở trên, vì thế là rất khó khăn.

Chưa hết, từ sự khác biệt giữa “lý thuyết” của các ban, ngành chức năng huyện, tỉnh và các bộ, ngành chức năng liên quan so với thực tế đã và đang diễn ra tại địa phương này, đã không chỉ làm cho công tác thống kê, đền bù, hỗ trợ nói trên gặp nhiều khó khăn; việc đầu tư xây dựng các công trình, nhà máy, xí nghiệp để tạo kế sinh kế mới cho người dân theo dự kiến và các kế hoạch ở trên đang triển khai, là không phù hợp với thực tế địa phương.

Tìm hiểu được biết, không chỉ thị trấn Cửa Việt, nhiều vùng biển khác trên địa bàn Quảng Trị bị ảnh hưởng, đã và đang gặp phải nghịch cảnh trớ trêu này. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương này kiến nghị: Lẽ ra, việc cần làm là các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng của huyện, tỉnh phối hợp với từng địa phương bị thiệt hại nói trên, kiểm tra, điều tra tình hình thực tế thật cụ thể, để từ đó có phương án giải quyết phù hợp.

Bên cạnh, ngư dân thị trấn Cửa Việt cũng như bà con ngư dân ở những địa phương khác bị ảnh hưởng, đều rất mong muốn các bộ, ngành chức năng liên quan sớm điều tra, nghiên cứu, phân tích và có kết luận cụ thể đối với thủy hải sản ở vùng bị ô nhiễm mà bà con ngư dân đang đánh bắt hiện nay, là có an toàn hay không, có ăn được hay không?

Có như vậy, bà con mới yên tâm hoặc tiếp tục vươn khơi hoặc tính toán sinh kế khác cho mình; người tiêu dùng cũng nhờ đó mà yên tâm ăn hoặc không ăn thủy hải sản này. Để làm được việc đó, bên cạnh việc điều tra, nghiên cứu, phân tích và có kết luận như đã nói ở trên, các cơ quan chức năng địa phương cần phải tự giác, tích cực thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn của mình để giúp đỡ bà con vùng biển giảm thiểu những thiệt hại không đáng có.

Đây cũng là việc làm mang tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội và người dân trực tiếp tiêu thụ thủy hải sản ở những vùng đánh bắt kể trên trong trường hợp chúng an toàn nhưng cần có sự kiểm tra, đánh giá của lực lượng chức năng.

Phan Thanh Bình
.
.
.