Nhiều cán bộ bị kỷ luật vì phá rừng
Liên quan đến vụ chặt phá hàng chục hécta rừng được giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng theo Điều 189, Bộ luật Hình sự.
Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố bị can vì hành vi trên để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Trước đó, vào đầu tháng 3-2017, tại địa bàn các xã Nam Sơn và Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp xảy ra tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để trồng cây keo lai nguyên liệu.
Theo điều tra của Công an huyện Quỳ Hợp, từ năm 2010 đến năm 2016, tại địa bàn xã Nam Sơn và Bắc Sơn có 13 hộ đã chuyển nhượng bất hợp pháp hơn 63ha đất rừng được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Số diện tích đất rừng này sau khi được chuyển nhượng đã bị một số người dân đốn hạ để trồng mới cây keo lai thay thế rừng tự nhiên.
Hiện trường một khoảnh rừng bị chặt hạ. |
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết thêm: Từ tháng 3-2017, thông qua việc UBND huyện phát hiện một vụ chuyển đổi mục đích đất rừng thuộc khu vực rừng khoanh nuôi, tái sinh, trong đó một số diện tích rừng thuộc nhóm IIB, mục đích là để trồng lại rừng nguyên liệu (cây keo).
Hành vi này có dấu hiệu hủy hoại rừng nên Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Quỳ Hợp đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra để xác định mức độ thiệt hại. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phức tạp và vi phạm nghiêm trọng, liên quan đến cán bộ, đảng viên nên đã đề nghị Công an vào cuộc để điều tra. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc có một số người vào chặt phá rừng, Công an huyện đã cử tổ công tác vào hiện trường ngăn chặn việc chặt phá.
Qua điều tra, xác minh, Công an huyện Quỳ Hợp xác định khu vực bị chặt phá được Nhà nước giao cho các hộ dân theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ và đây là rừng khoanh nuôi tái sinh. Trước sự xâm hại rừng nghiêm trọng này, sau khi củng cố hồ sơ, ngày 17-8, cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Gỗ bị đốn hạ ngổn ngang trên địa bàn xã Bắc Sơn. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Lê Ngọc, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp thông tin thêm: Trong số những đối tượng phá rừng, có 10 cán bộ cấp xã và cấp huyện. Do đó, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy diễn ra vào tối 28-9, Ban Thường vụ đã bỏ phiếu thống nhất đề xuất xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với 10 cán bộ sai phạm.
Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cách các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Tiến Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quỳ Hợp; cách các chức vụ trong Đảng đối với 2 bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn và xã Bắc Sơn. Ngoài ra, nhiều cán bộ cấp xã khác cũng có hành vi vi phạm phải xem xét kỷ luật. Huyện ủy Quỳ Hợp cũng đề nghị xử lý vi phạm đối với hai cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện.
Vụ hủy hoại gần 61 hécta rừng ở Bình Định: Sẽ xem xét lại hình thức xử lý kỷ luật cán bộ kiểm lâm Liên quan đến kết quả xử lý vi phạm cán bộ, viên chức kiểm lâm trong vụ đốn hạ, phát dọn trái phép gần 61ha rừng ở tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão đã được Báo CAND phản ánh, ngày 29-9, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, Hội đồng kỷ luật cơ quan này sẽ xem xét lại hình thức kỷ luật. Trước đó Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão; cảnh cáo đối với ông Phạm Phương Bắc, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và Nguyễn Hồng Tấn, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn. Ngoài ra, 4 kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn và huyện An Lão là Võ Đức Thắng, Nguyễn Hữu Độ, Trần Văn Liên Nguyễn Trọng Tài bị khiển trách. Cũng cần nhắc lại, ngày 15-9, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng, chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Bình Định điều tra và xử lý theo thẩm quyền. Ngày 20-9, Cơ quan CSĐT Công an Bình Định tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Dễ (57 tuổi, trú ở xã Hoài Sơn) và ông Nguyễn Văn Ri (42 tuổi, trú ở xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) về tội danh nêu trên sau khi có chứng cứ chứng minh hai đối tượng này đã thuê nhân công đốn hạ, phát dọn trái phép 40ha rừng tự nhiên. Chi cục Kiểm lâm Bình Định cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đinh Văn Hòa, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và kiểm lâm viên Huỳnh Văn Tuấn để phục vụ công tác điều tra. Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định, trong tổng diện tích gần 61ha rừng tự nhiên bị hủy hoại có gần 23ha là rừng phòng hộ và hơn 37ha rừng sản xuất; gần 5.200m3 gỗ đã bị “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi hiện trường. (Phan Văn Lương) |