Hơn 80 ngày sau vụ cháy Chung cư Carina: Nhiều bài học kinh nghiệm xương máu

Thứ Sáu, 15/06/2018, 09:36
Buổi tọa đàm với chủ đề rút kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn, sau vụ cháy Chung cư Carina (xảy ra đêm 23-3) được tổ chức tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) sáng 14-6 thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện sở, ban ngành, trong đó có lãnh đạo các BV tham gia cấp cứu trong vụ cháy được xếp là nghiêm trọng đứng thứ 2 sau vụ cháy Trung tâm Thương mại ITC vào năm 2002.


Tổng đài chỉ huy: Tối quan trọng

"Từng trong đội ngũ tham gia trong các vụ cấp cứu thảm họa cháy nổ, thiên tai,... chúng tôi thấy rằng, rất cần thiết phải có một Tổng đài chỉ huy đảm đương nhiệm vụ chỉ đạo công tác cấp cứu ngay tại hiện trường cũng như chỉ huy trong chuyên môn cấp cứu nhằm mang lại hiệu quả cao nhất của việc "cứu người". Đây chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất rút ra sau vụ cháy chung cư Carina", PGS-TS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy đã nhấn mạnh tại buổi tọa đàm như trên.

Theo PGS-TS Trần Minh Trường, chỉ có bộ phận chỉ huy mới có thể đủ sức ra lệnh thống nhất mọi công tác điều hành, và khi "phất cờ" mới đủ uy lực chỉ đạo được các bộ phận khi ấy, bởi khi xảy ra tai nạn thảm họa cháy nổ, sập nhà... thường tạo nên không khí hoảng loạn, hỗn độn. 

Các đơn vị tham gia vụ cấp cứu thảm họa cháy chung cư Carina tại buổi Tọa đàm ngày 14-6 tại BV Chợ Rẫy.

Do vậy, bộ phận Chỉ huy này cần có lá cờ để ra hiệu và "cắm chốt" để các lực lượng tham gia phối hợp nhận dạng được và thống nhất công tác cấp cứu, để liên hệ, báo cáo mọi việc.

Chia sẻ thêm về vấn đề Tổng chỉ huy trong cứu hộ, cứu nạn, Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng phòng thuộc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh khẳng định: Vụ cháy chung cư Carina là vụ cháy gây thiệt hại rất lớn, sau vụ cháy Trung tâm Thương mại ITC. 

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, khi lực lượng PCCC nhận được tin báo cháy sẽ cử lực lượng chạy tới cô lập hiện trường, khống chế vụ cháy và hướng dẫn công tác cứu hộ, cứu nạn, di chuyển người bị nạn từ bên trong ra ngoài. 

Qua vụ Carina, Cảnh sát PCCC cũng đã rút kinh nghiệm rằng, khi xảy ra cháy toà nhà cao tầng, các nạn nhân bao giờ cũng tìm cách chạy ra thang bộ để chạy xuống tầng trệt. Nhưng trong vụ Carina tại nơi cầu thang bộ lại chứa nhiều khí độc nhất.

Lý do vì các cửa kính khu vực cầu thang bộ (có tác dụng giữ áp, để đảm bảo không khí cầu thang bộ luôn cao hơn bên ngoài), nhưng khi xảy ra cháy những cửa này tại chung cư lại bị mở hết. 

Do người dân của chúng ta tự ý mở và lấy đá chặn lại, dẫn tới áp suất nguồn cầu thang bộ bị giãn ra. Khói độc tràn vào vùng cầu thang bộ. Người chạy nạn lại chạy vào vùng thang bộ và hít phải khí CO. Gây 13 ca tử vong, ngoài ra còn có 48 người bị thương, trong đó 2 người là Cảnh sát PCCC bị thương khi đang làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn cũng thừa nhận, các đơn vị ban ngành đã phối hợp nhịp nhàng nhưng bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế. Do đó qua vụ cháy, rất cần có Qui chế phối hợp giữa các bộ phận để điều động kịp thời khi phối hợp.

Những kinh nghiệm “vàng"

Từng trực tiếp tham gia từ đầu tới cuối việc cấp cứu thảm hoạ vụ cháy Trung tâm Thương mại ITC (2002), bác sĩ Phan Văn Nghiệm, nguyên cán bộ quản lý Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nay là Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Khi cấp cứu bất cứ vụ tai nạn thảm họa nào thì nhân viên y tế trước hết phải an toàn, sau đó mới đi cứu bệnh nhân được. Thứ 2 là tâm lý của người bệnh. 

Khi trong hoàn cảnh bị tai nạn gây một tình trạng sốc, chấn thương tinh thần rất lớn, nạn nhân khi ấy thường rất sợ chết. Tim hỗn loạn, khó thở, có thể ngạt khí CO một phần nhưng hồi hộp căng thẳng quá cũng gây tử vong đột ngột. Do đó, ổn định tâm lý tinh thần cho nạn nhân vô cùng quan trọng.

Th.S-BS Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi BV Chợ Rẫy, thời điểm nội soi phế quản cho tất cả bệnh nhân bỏng hô hấp trong tai nạn thảm họa cháy, bỏng lửa là rất quan trọng. Vì vậy, việc này nên được làm ngay khi bệnh nhân nhập viện. Thứ nữa, điều trị tâm lý vô cùng quan trọng với tất cả nạn nhân trong tai nạn cấp cứu thảm họa.

Áp lực stress còn xảy ra với chính cả bác sĩ và điều dưỡng trong quá trình chăm sóc những bệnh nhân nặng. Ngay cả bác sĩ, điều dưỡng trong khoa khi chăm cho bệnh nhân vụ cháy chung cư Carina có người đã không ăn cơm trưa nổi cả tháng. 

Vì không chịu nổi cảnh mỗi khi bệnh nhân tỉnh lại, mở mắt là đòi gặp vợ con mà mình không trả lời được. Vấn đề đưa ra là tại tất cả các BV nên có Khoa Tâm lý tiếp nhận xử lý những tình huống sang chấn tâm lý khi cấp cứu tai nạn thảm họa...

Theo BV Chợ Rẫy, trong số 13 bệnh nhân được chuyển vào BV Chợ Rẫy trong vụ cháy chung cư Carina, bị bỏng đường hô hấp 5 ca; bỏng đường hô hấp do ngạt khí CO, viêm đường hô hấp là 6 ca; bỏng lửa là 2 ca. Có 10 ca BV Chợ Rẫy cho xuất viện; 1 trường hợp chuyển BV ĐH Y Dược, 2 ca chuyển BV quận 8 TP Hồ Chí Minh. Đến nay, có 6 ca đã tái khám tại BV Chợ Rẫy. Tổng chi phí điều trị cho 13 bệnh nhân gần 1,037 tỷ đồng.

Trong đó có 2 ca được BHYT thanh toán với số tiền trên 70 triệu. Tuy nhiên, tổng chi phí chữa trị cho 2 ca này gần 966 triệu đồng và hiện các bệnh nhân này chưa có khả năng thanh toán.

H. NGA
.
.
.