Nhân viên Trạm 67 kể lại giây phút may mắn thoát nạn

Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:19
“Sau khi trở về nhà không bao lâu thì tôi nhận được thông tin là đoàn công tác có 13 người nghỉ dừng chân trong đêm tại Trạm bị sạt lở đất chôn vùi. Nghe tin này mà tôi thật sự xót xa, bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Bởi nếu lúc đó tôi và đồng nghiệp không quay trở ra thì chắc chắn cũng sẽ không còn ngồi ở đây để nói chuyện với các anh nữa rồi…”, hướng ánh mắt nhìn xa xăm, ông Đông buồn bã kể tiếp.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở đất tại Trạm bảo vệ rừng Tiểu khu 67 đóng trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi đã tìm gặp ông Hoàng Phước Đông (SN 1959, ở thôn Bình An, xã Phong Xuân), là nhân viên Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 nằm gần trụ sở UBND xã Phong Xuân, ông Đông vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến 13 CBCS trong đoàn công tác của Quân Khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế hy sinh.

Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 trước thời điểm sạt lở đất.

Ông Đông kể lại, trước thời điểm xảy ra vụ sạt lở, địa bàn xã Phong Xuân có mưa rất lớn. Như công việc mọi ngày, trong sáng 12/10, ông Đông cùng với ông Hồ Ấn là nhân viên của Trạm chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, sau đó chạy xe máy theo tuyến đường 71 vào Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67.

Tuy nhiên, khi đang trên đường vào Trạm, nhận thấy mưa lớn, nguy hiểm nên ông Đông và ông Ấn được lãnh đạo Trạm thông báo thời tiết có mưa lớn, diễn biến phức tạp nên 2 người đã xin phép để quay trở về nhà.

Ông Hoàng Phước Đông kể lại việc giúp lưc lượng cứu nạn xác định chính xác các vị trí tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 để phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân.

“Sau khi trở về nhà không bao lâu thì tôi nhận được thông tin là đoàn công tác có 13 người nghỉ dừng chân trong đêm tại Trạm bị sạt lở đất chôn vùi. Nghe tin này mà tôi thật sự xót xa, bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Bởi nếu lúc đó tôi và đồng nghiệp không quay trở ra thì chắc chắn cũng sẽ không còn ngồi ở đây để nói chuyện với các anh nữa rồi…”, hướng ánh mắt nhìn xa xăm, ông Đông buồn bã kể tiếp.

Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 sau khi sạt lở đất.

Nhằm triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại khu vực các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71. Đồng thời thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn.

Với mục đích khoanh vùng nhằm mở rộng khu vực tìm kiếm, lực lượng cứu nạn đã nhờ đến ông Hoàng Phước Đông đi vào hiện trường xác định các vị trí trọng điểm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67.

“Tôi chuyển về làm việc tại Trạm từ năm 2016. Từ đó đến nay, Trạm là ngôi nhà thứ 2 của tôi và lực lượng bảo vệ rừng. Tuy nhiên, lúc vào lại hiện trường, cảnh tượng kinh hoàng khi một khối lượng lớn đất đá sạt lở đã san phẳng khu vực và nhà Trạm. Bộ bàn ghế mà tôi và đồng nghiệp hay ngồi uống trà mỗi sáng sớm cũng như mọi thứ đều bị vùi sâu khoảng 2m dưới lớp đất đồi”, ông Đông xót xa kể lại.

Đến tối 15/10, 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ hy sinh được tìm thấy tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67.

Sau khi được các cán bộ trong đoàn cứu nạn nhờ xác định các vị trí, ông Đông đã lấy những cành cây lớn cắm xuống đất để đánh dấu phòng nghỉ, phòng làm việc, khu nhà bếp… của Trạm. “Thật sự quá bàng hoàng và xót xa. Tôi chắc chắn các cán bộ, chiến sĩ đang nằm dưới ấy…”, chỉ tay về hướng cành cây vừa được cắm xuống đất, ông Đông nghẹn ngào nói với các cán bộ trong đoàn cứu nạn.

Thi thể các cán bộ, chiến sĩ hy sinh được đưa về Nhà tang lễ 268, TP Huế.

Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực, tranh thủ từng giờ, từng phút, chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67. Sau nhiều giờ nỗ lực, lực lượng cứu nạn xác định được vị trí đoàn 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67.

Dù thời tiết có mưa, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm nhưng với quyết tâm cao độ, khắc phục mọi khó khăn về địa hình, thời tiết nên đến tối ngày 15/10, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác tại khu vực này. Các thi thể được đưa về Bệnh viện 268, sau đó lễ truy điệu sẽ tổ chức chung tại Nhà tang lễ 268, TP Huế.

Theo lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến lễ viếng 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh được diễn ra từ 7 đến 11h sáng 18/10; lễ truy điệu được tổ chức từ 11 đến 12h cùng ngày.


Anh Khoa
.
.
.