Liên quan đến vụ bến phà Đường Đức bị đình chỉ:

Nguy hiểm rình rập khi người dân qua sông Hậu bằng vỏ lãi

Thứ Năm, 18/05/2017, 09:21
Liên quan đến việc đình chỉ hoạt động bến phà Đường Đức, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, ngày 17-5, chúng tôi có mặt tại bến phà Đường Đức, ghi nhận một thực trạng rất đáng quan ngại. Đó là, do không còn phà nên nhiều người phải qua sông Hậu (từ Trà Vinh qua Sóc Trăng và ngược lại) bằng vỏ lãi, thiếu các dụng cụ bảo đảm an toàn…

Do bến bị đình chỉ hoạt động, không còn phà lớn đưa khách, trong khi nhu cầu qua sông mỗi ngày của khách là rất lớn, nên một số người dân ở địa phương đã “chớp cơ hội” dùng vỏ lãi (thường sử dụng trong gia đình, không được phép đưa vào sử dụng trong việc kinh doanh chở khách qua sông) để vận chuyển khách qua sông.

Quan sát một chiếc vỏ lãi đang nhận khách tại bến Đường Đức, chúng tôi nhận thấy trên vỏ lãi không có áo phao, không có dụng cụ bảo đảm an toàn cho khách. Một chiếc vỏ lãi nhỏ nhưng chở 7 khách, 2 chủ phương tiện và 4 xe máy. Khi phương tiện chạy ra giữa sông Hậu mênh mông, dập dềnh sóng nước, không ít người ngồi im trên phương tiện nhưng “tim đập chân run”.

Do bến phà bị đình chỉ hoạt động, người dân đành phải qua sông Hậu bằng vỏ lãi đầy nguy hiểm.

Điều đáng nói, khi thấy khách chạy xe xuống, một phụ nữ đon đả: “Chờ chút nữa có thêm khách là rời bến sang sông. Mỗi chiếc chỉ chở được 2 xe máy và 4 khách thôi”, nhưng thực tế, chiếc vỏ lãi này chở 9 người và 4 phương tiện như đã nói ở trên.

Chị Nguyễn Thị Thanh (quê Bạc Liêu) cho biết: “Chúng tôi đi thăm người nhà ở Trà Ôn (Vĩnh Long). Khi lên thì đi theo quốc lộ, khi về nghe nói đi phà Đường Đức sang đường Nam sông Hậu về Bạc Liêu gần hơn nên thử đi cho biết. Ai dè không có phà, phải đi vỏ lãi rất nguy hiểm”.

Như Báo CAND đã thông tin, do 1 trong 2 chủ phà không chấp hành pháp luật, dẫn tới mâu thuẫn kéo dài nhiều năm. Thay vì giải quyết mâu thuẫn để đảm bảo quyền lợi của người dân thì Giám đốc Sở GTVT tỉnh Trà Vinh lại ban hành quyết định đóng cửa bến phà Đường Đức, khiến cho hàng ngàn người lâm cảnh bế tắc, không có phương tiện qua sông…

Cao Xuân
.
.
.