Nguy hiểm chết người đang rập rình từ cây xanh

Thứ Sáu, 09/09/2016, 10:18
Cây xanh ngã đổ, tét nhánh là hiểm họa trực tiếp gây ra những cái chết thương tâm. Đây chính là những nguy hiểm chết người cần phải cảnh báo và có biện pháp phòng tránh từ xa.


Chỉ tính trong 6 ngày, từ ngày 26-8 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra khoảng 60 vụ cây xanh ngã đổ và tét nhánh làm 2 người chết, 1 người bị thương nặng, hư hỏng 6 xe gắn máy, 1 xe ôtô và một số công trình dân dụng. Chỉ trong ngày 28-8, đã có 25 cây xanh bị ngã, 32 nhánh gãy rơi xuống đường và rất nhiều nhánh khô, gãy rơi…

Những cái chết không báo trước bất luận trời đang mưa dông hay nắng ráo đều có thể xảy ra. Ngày 26-8, bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi, ngụ quận 1) đang tập thể dục trong Công viên Tao Đàn thì bất thần một nhánh cây rơi xuống trúng đầu khiến bà bất tỉnh. Nạn nhân được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. 

Hai ngày sau, trên đường An Dương Vương, quận 5, anh Từ Văn Khải (25 tuổi, quê Kon Tum) đang học nghề tại một cơ sở bỗng dưng bị một cây dầu gần như mất hết bộ rễ, bật gốc đè chết tại chỗ cùng nhiều xe gắn máy, ôtô và nhà dân bị ảnh hưởng.

Đại tá Tiền Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) cho biết: Ngày 31-8, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân tên Huỳnh Minh Cường (34 tuổi, ngụ đường Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng đa chấn thương, bất tỉnh. 

Các bác sĩ đã tiến hành mổ làm sạch ổ gãy, nắn khớp xương, xếp lại xương, đóng đinh ổn định khớp xương… sau đó chuyển sang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tiếp tục theo dõi, điều trị. 

Anh Cường là nạn nhân do cây xà cừ cổ thụ có đường kính gần 1m, cao khoảng 20m trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 5) bật gốc đè trúng. Hơn 20 người dân nâng cây lên mới đưa anh vào Bệnh viện 30-4 cấp cứu.

Cây xanh cổ thụ bất ngờ bật gốc đổ đè chết người do bộ rễ mục nát.

Qua 3 vụ cây xanh bật gốc cuối tháng 8 cho thấy, cây cổ thụ ngã bật gốc do rễ đã chết khô, cơ quan quản lý cây xanh không thường xuyên kiểm tra, hoặc có kiểm tra cũng chỉ quan tâm đến cắt tỉa phần nhánh hư, khô trên cao; còn gốc rễ cây được bao bọc bằng khối bê tông, xi măng gần như phó mặc cho trời.

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ cây xanh bật gốc, tét nhánh ngã đổ gây chết người, bị thương và thiệt hại đáng kể về tài sản trong mấy ngày cuối tháng 8 khiến người dân hoang mang bức xúc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP đã cho biết: 

Qua kiểm tra không thấy cây có dấu hiệu bệnh. Hai nhánh cây gãy đè chết người trong Công viên Tao Đàn vẫn còn xanh tươi, không có dấu hiệu sâu bệnh, cây cổ thụ bật gốc ở đường An Dương Vương, Sư Vạn Hạnh đang sinh trưởng tốt. Tuy nhiên rễ hai cây này không tốt, gặp gió lốc mạnh làm bật gốc… 

Theo cách nói này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ không thuộc về đơn vị quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh theo hợp đồng và phân chia khu vực của Công ty Công viên cây xanh. Nếu phần lỗi do “bất khả kháng” do trên trời rơi xuống, thì nạn nhân thiệt hại, thiệt mạng chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí ma chay. 

Do đó, hầu hết các vụ cây xanh ngã đổ, tét nhánh làm chết người hằng năm thường được xác định lỗi không thuộc về đơn vị quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng… như cành khô, mục, sâu bệnh…).

Thành phố đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, do đó hiện tượng cây xanh ngã đổ, tét nhánh có thể gây chết người và thiệt hại tài sản luôn là mối nguy hiểm tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguyên nhân cây cổ thụ liên tục ngã đổ, bật gốc do tuổi thọ quá cao, cây quá già thì càng ẩn bên trong những khiếm khuyết không thể nhìn thấy được. Nhiều cây trông xanh tươi, mạnh khỏe nhưng trong ruột bọng ruỗng, khuyết tật ăn lõm từ bên trong, phần rễ cây do bê tông hóa đã làm chết dần bộ rễ, đặc biệt là rễ bàng và rễ chuột bám đất, giữ thân chống chọi lại mọi tác động thời tiết, dông lốc. Không gian sống, bám rễ, hút nước nuôi thân của cây xanh bị thu hẹp và triệt tiêu, chết dần mòn do bê tông hóa. Nhiều nhà cao tầng ngày nay xây chọc trời cũng là một luồng dẫn gió, tạo thành sức mạnh xoáy làm cho cây bật gốc. 

Theo kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, TP Hồ Chí Minh cần có kế hoạch thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi như dầu, sao, sọ khỉ, lim xẹt… Cần phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế… TP Hồ Chí Minh hiện có trên 5.000 cây dầu loại 3, cao từ 12m trở lên, luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho con người và tài sản. 

Ngoài ra, để tránh tai nạn gây ra từ việc cây xanh ngã đổ, bật gốc, cơ quan quản lý cây xanh cần khảo sát, kiểm tra phân loại từng đặc điểm sinh trưởng, phẩm chất từng loại cây để xây dựng hệ thống dữ liệu trong công tác quản lý… để có những can thiệp kịp thời vào toàn bộ cây xanh thuộc diện quản lý, kể cả những công trình xây dựng hạ tầng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây xanh, nhằm đảm bảo an toàn cho con người và cảnh quan đô thị.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, Công ty Công viên cây xanh TP hiện đang quản lý chăm sóc hơn 90.000 cây xanh các loại. Sở đã lập danh sách khoảng 5.000 cây xanh, trong đó có nhiều cây thuộc loại 3 có dấu hiệu bị nghiêng có thể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng. 
Hoàng Châu
.
.
.