Người cuối cùng của nghề làm lọng trên đất Quảng

Thứ Bảy, 24/09/2016, 08:25
Ngày nay, hình ảnh các vị vua quan với tàn che, lọng rước đã lùi vào quá vãng và chỉ còn xuất hiện ở một số chùa chiền, tộc họ trong những đám rước lễ tế, hội làng... Thế mà, ở làng Mỹ Xuyên, khối Bình An, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) hiện vẫn còn một ông cụ 82 tuổi, ngày ngày vẫn miệt mài vót những thanh tre để làm lọng. Đó là ông Nguyễn Quang Thiện, người cuối cùng của nghề đan lọng ở xứ Quảng...

Ông kể, thuở nhỏ ông vốn là một cậu bé ngỗ nghịch, ham chơi, suốt ngày ra đồng chăn trâu, thả diều, đánh đáo. Có một lần, khi đang nằm lơ mơ trên bộ ván gõ, ông vô tình nghe cha thở dài vì con cái không ai chịu nối nghề. Thấy vậy, ông liền vọt dậy xin cha bày vẽ cách làm lọng. Từ đó, ông bắt đầu làm quen với từng nan tre, lỗ lọng. Mỗi đòn roi hay những lời quát mắng của cha khi trót làm sai như làm tăng thêm cho ông sự rắn rỏi, kinh nghiệm và trách nhiệm với công việc…

Nhắc đến việc làm lọng, ông Thiện chia sẻ, để hoàn chỉnh một cái lọng phải mất từ 12-15 ngày miệt mài làm việc. Đầu tiên, chọn một cây tre đực đường kính khoảng 5cm, chiều cao khoảng 2m, phơi khô đánh bóng để làm thân lọng. Tiếp đó, dùng một khúc gỗ mít tiện thành một khối giống kiểu hình nón cụt gọi là gen, trên đầu khối gen xẻ ra 46 hoặc 48 đường sâu.

Tiếp theo, ông vót những nan tre để làm nan chống, dài khoảng 30cm với 20 lỗ, ngắn thì khoảng 20cm và 16 lỗ xếp xen kẽ vào khối gen. Kế đến là làm cây sườn, với 8 lỗ mạng và 1 lỗ cuối để kết nối với cây chống. Cây sườn có cấu tạo hơi giống cây chống nhưng dài hơn và được uốn cong một đầu.

Rồi ông nhấn mạnh, sau khi lắp ráp xong thành hình giống chiếc dù, bán kính của khung phải bằng 1,2m để thuận lợi cho việc phủ áo lọng lên trên. Loại áo này thường được làm từ một  loại giấy dai, bền hay vải the, được phối hợp giữa 7 màu len hài hòa và được trang trí bằng các họa tiết rồng, phụng…

Ông Thiện bên chiếc lọng được ông làm từ 20 năm trước.

Nói đến cây tàn, cây lọng thì dễ dàng nhận thấy màu vàng chính là màu chủ đạo. Thế nhưng ở thời ông Thiện, ngày trước màu vàng rất hiếm nên phải nhai nghệ cho ra nước rồi tẩm vào từng sợi chỉ mới ra được đúng chất vàng. Cũng bởi cách tạo màu độc đáo đó, mà những sản phẩm của gia đình ông luôn được đón nhận.

Theo ông Thiện, cây lọng hoàn chỉnh có chiều dài từ 2,3 – 2,5m, lọng vàng dành cho vua và đức Phật, còn lọng xanh để cho quan chức. Thời nay, dù cho mặt hàng này không còn được sử dụng rộng rãi nữa, con cháu cũng không dám theo nghề vì ngại ở đầu ra. Thế nhưng không vì thế mà ông Thiện tinh giảm nguyên liệu hay công sức của mình.

Tuổi đã gần đất xa trời song ngày ngày ông Thiện vẫn ra ngồi giữa hiên nhà, cần mẫn vót những thanh tre, đục khối gỗ, đan tấm lụa… bằng tất cả niềm say mê của mình, để làm ra những cây lọng hiếm hoi cuối cùng.

Rít xong điếu thuốc lào, ông hiền hòa giơ tay chỉ vào cây lọng ở giữa nhà. Đó là một cây lọng dài được chế tác tinh xảo đến từng chi tiết. Ông kể, nó yên vị ở đó cũng đã hơn 20 năm rồi, và cũng là bản mẫu để sau này con cháu sau này nếu có muốn học nghề thì còn có cái để mà mường tượng và làm theo.

“Một cây lọng làm cũng mất ít nhất 12 công, bán ra thì giá cũng tầm 1,2 triệu. Với số tiền ấy chỉ đủ mua nguyên liệu và cơm cháo qua ngày. Vì thế nên tôi chủ yếu làm cho những người đến đặt hàng thôi chứ con cháu theo nghề thì cũng vui nhưng vất vả lắm”, ông tâm sự.

Hình ảnh cây lọng sừng sững giữa căn nhà như gợi nhớ về những ngày muôn năm cũ, về cái ngày ông Thiện mới tập tễnh nối gót ông cha. Với ông, cây lọng không chỉ là người bạn mà còn là tài sản vô giá, chứa đầy nhiệt huyết, đam mê và cái tâm của người làm nghề chân chính…  

Hà Ngọc
.
.
.