Người thất nghiệp có trình độ đại học giảm
- Bàn giải pháp giảm thất nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ thông minh
- Thất nghiệp sẽ gia tăng vì chính sách thuế của ông Donald Trump?
- Nhiều cử nhân thất nghiệp
Theo dự báo, quý III, thị trường lao động sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa khi hàng trăm nghìn lao động sẽ tiếp tục được giải quyết việc làm.
Số người có việc làm tăng
Theo con số được Bộ LĐ- TBXH và Tổng cục Thống kê phối hợp công bố, trong quý II vừa qua, do tăng trưởng kinh tế dù thấp hơn so với quý I nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước từ đó thị trường lao động có nhiều điểm sáng như: số người có việc làm tăng lên, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Cụ thể trong quý II, số người có việc làm là 54,02 triệu người, tăng 29,9 nghìn người so với quý I và tăng hơn 619 nghìn người so với quý II-2017.
Tỷ lệ người lao động có việc làm được dự báo sẽ tăng từ nay đến cuối năm. |
Trong quý II-2018, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 5,6 nghìn người so với quý I-2017 và 20,1 nghìn người so với quý II-2017. Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,93% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở vùng Đông Nam Bộ, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù kinh tế phát triển chậm hơn nhưng vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên lại là những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Số người có trình độ “đại học trở lên” giảm xuống còn khoảng 127 nghìn người, giảm 15,4 nghìn người so với quý I-2018. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,62 triệu đồng trong quý 2-2018, giảm 166.000 đồng so với quý I-2018 và tăng 223.000 đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Giải thích về điều này, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho biết, nguyên nhân khiến thu nhập của người lao động quý này thấp hơn quý trước là do quý trước có tháng Tết Âm lịch, người lao động có thêm nhiều khoản thu nhập như thưởng Tết, tháng lương thứ 13… dẫn đến thu nhập bình quân cao hơn.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ quý II-2017, thì thu nhập của người lao động đã được cải thiện hơn rất nhiều. Theo ông Vinh, thu nhập của người lao động trong hầu hết các ngành đều giảm so với quý 1-2018.
“Trừ ngành xây dựng và nghệ thuật vui chơi giải trí tăng nhẹ, trong đó giảm nhiều nhất là ngành khai khoáng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là những ngành được thưởng nhiều nhất trong dịp Tết (quý 1-2018)”, ông Đào Quang Vinh cho biết. Về xếp hạng mức thu nhập, lao động có trình độ đại học đạt mức thu nhập cao nhất, khoảng 7,87 triệu đồng. Tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp với mức 6,51 triệu đồng. Theo ông Đào Quang Vinh, qua khảo sát tại doanh nghiệp cho thấy, lao động trình độ sơ cấp làm theo dây chuyền và thu nhập ổn định cũng như làm thêm giờ cao nên thu nhập tăng.
Dự báo nhiều triển vọng
Theo tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc từ cổng thông tin điện tử việc làm của Bộ LĐ- TBXH trong quý II-2018 có 171 nghìn chỗ làm việc được các doanh nghiệp đăng để tuyển dụng, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động nữ chiếm 58,7% trong tổng số.
Cũng trong quý II này, các Trung tâm dịch vụ việc làm ngành LĐTBXH quản lý đã tổ chức được 291 phiên giao dịch việc làm. Số người được tư vấn và giới thiệu việc làm là hơn 729 nghìn lượt, tăng 9 nghìn lượt so với quý I-2018. Trong đó có đến hơn 237 nghìn lượt người được nhận việc làm, chiếm 32,54% số được tư vấn.
Đánh gia về triển vọng của thị trường lao động quý III-2018, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, những nỗ lực của Chính phủ tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng sẽ phát huy hiệu quả từ nay đến cuối năm 2018. Dự báo GDP cả năm 2018 sẽ đạt mức 7,02%.
Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp sẽ là những yếu tố tác động đến cấu trúc thị trường lao động.
“Dự báo tổng số lao động có việc làm đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người. Một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động với mức tăng trên 7% như: Sản xuất đồ uống, dệt, in, sản suất sản phẩm từ cao su, thoát nước và xử lý nước thải”, ông Diệp nói. Tuy nhiên, ông Diệp cũng dự báo, một số ngành như: Nông lâm thủy sản, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, khai khoáng, sản xuất xe có động cơ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế sẽ là những ngành nhu cầu lao động sẽ giảm.