Nhiều cử nhân thất nghiệp

Chủ Nhật, 18/03/2018, 02:19
Cả nước có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp, đây là con số được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra trong Bản tin thị trường lao động vừa được công bố chiều 15-3-2018. Đây là con số được đánh giá vẫn rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế thời gian qua có nhiều khởi sắc.


Đua nhau chạy Grab

Đội ngũ chạy xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo với phần “góp sức” của các cử nhân ra trường nhưng không có cơ hội làm đúng ngành nghề. Vũ Xuân Hưng (tốt nghiệp Đại học Thương mại năm 2015) sau rất nhiều lần nộp hồ sơ tìm kiếm việc làm, nay xác định Grab (xe ôm công nghệ) là nghề thu nhập chính.

“Tốt nghiệp xong, em có đi làm tại một công ty kinh doanh thiết bị công nghệ, nhưng sau đó công ty làm ăn cũng khó khăn. Bọn em tất cả phải chạy ra đường lo tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường.

Chạy quần quật cả ngày nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 5 triệu/tháng nên nản quá phải nghỉ việc. Sau đó em có xin vào làm nhân viên thu ngân siêu thị, nhưng thu nhập cũng không được cải thiện”, Hưng chia sẻ.

Duyên đến với Grab với Hưng cũng là sau một vài lần đi làm về muộn phải dùng dịch vụ này. Thấy đây là dịch vụ có nhiều tiện lợi Hưng đã thử bỏ ít tiền đăng ký và mua đồng phục.

Cử nhân thất nghiệp gia nhập đội quân xe ôm công nghệ ngày càng đông.

Chạy Grab dù vất vả nhưng mỗi ngày thu nhập bình quân đều được khoảng 500 nghìn đồng, cao hơn so với việc tìm một việc làm cố định. Chính vì thế Hưng gắn bó với nó đến nay, kể cả khi đã có vợ con.

Lê Xuân Nam, tốt nghiệp Khoa Điện tử - Viễn Thông, Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2016, gắn bó với xe ôm công nghệ đến nay cũng đã hơn 1 năm chia sẻ, ra trường không xin được việc đúng chuyên ngành, Lê Xuân Nam có đi làm cho một số nhà hàng.

Tuy nhiên, làm nhân viên nhà hàng, ngày làm 12 tiếng thu nhập cũng chỉ được khoảng 200 nghìn/ngày. Chính vì thu nhập không tốt mà Lê Xuân Nam cũng gia nhập đội quân Grab.

“Hồi mới chạy, tài xế còn ít nên mỗi ngày trừ hết chi phí em còn được 400 nghìn đồng. Nhưng nay đông rồi, thu nhập cũng thấp hơn. Tính ra đi làm nhà hàng lương cũng chỉ được 4- 5 triệu đồng/tháng, cuối tháng mới được lĩnh. Trong khi chạy xe ôm lãnh hằng ngày, mà không bắt buộc phải làm 8 tiếng/ngày, có sức thì chạy 12 tiếng, lúc nào mệt thì tắt mạng nghỉ ngơi một lúc rồi chạy tiếp, mọi thứ do mình chủ động”, Nam chia sẻ.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Phú (tốt nghiệp Đại học Điện Lực), từng làm ở nhiều nơi nhưng công việc không phù hợp chuyên môn. Sau hơn 10 năm lăn lộn qua các công ty, Phú cũng chuyển qua lái xe ôm.

Một ngày của Phú bây giờ bắt đầu lúc 4h sáng, chạy đến 4h chiều thì về đón con, nấu cơm cho cả nhà. “Nếu cố gắng chạy thì thu nhập cũng tàm tạm, lại có thời gian để lo cho gia đình.

Tôi cần thời gian để định hướng lại công việc theo chuyên môn của mình. Tôi cũng mất lòng tin vào các công ty. Mình làm cho công ty nào cũng muốn gắn bó lâu dài nhưng khi cảm thấy không có ích nữa thì họ lại phủi tay”, Phú nói.

Cử nhân thất nghiệp đông nhất

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý IV-2017, được Bộ LĐ-TB&XH công bố chiều 15- 3- 2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam giảm, tuy nhiên lao động trình độ đại học trở lên vẫn rất đông.

Theo thừa nhận của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tại buổi công bố, nhóm lao động có trình độ cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) gia tăng nhanh hơn về quy mô.

Thông tin cụ thể về tình hình thị trường lao động trong quý IV/2017, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quý IV-2017, cả nước có 54,05 triệu người có việc làm, tăng 282,8 ngàn người so với quý III-2017.

Cả nước có 23,48 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 43,44% trong tổng số lao động có việc làm. Đặc biệt, lần đầu tiên, lao động trong ngành nông lâm thuỷ sản giảm từ 41,54% trong quý IV/2016 xuống 39,55% trong quý IV- 2017.

Bản tin cho thấy, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,41 triệu đồng/tháng, tăng 45 ngàn đồng (0,8%) so với quý III-2017. Thu nhập bình quân tháng ở khu vực nông thôn là 4,73 triệu đồng, tăng 10,01%, tỉ lệ này tăng cao hơn so với thành thị.

Trong số lao động có bằng cấp chứng chỉ, thu nhập của lao động có trình độ ĐH cao nhất (7,74 triệu đồng), thấp nhất là lao động trình độ trung cấp 5,7 triệu đồng. Tuy nhiên, tính theo tỉ lệ tăng cao nhất lại thuộc ở nhóm trình độ sơ cấp (351 ngàn đồng, 5,8%).

“Đa số lao động trình độ sơ cấp làm ở khu vực chế biến chế tạo và có thời gian làm việc dài hơn 10% so với lao động ở nhóm CĐ, ĐH dẫn đến thu nhập nhiều hơn”-ông Đào Quang Vinh giải thích. Bản tin cũng nêu rõ, trong quý IV- 2017, thất nghiệp giảm về số lượng và tỉ lệ. Thất nghiệp ở nhóm thanh niên và lao động trình độ “ĐH trở lên” giảm đáng kể so với quý III-2017. 

Cụ thể, cả nước có 1.070.200 lao động thất nghiệp, giảm 3.600 người, so với quý III-2017. Có 215.300 người có trình độ “ĐH trở lên” bị thất nghiệp, giảm 21.700 người. Nhóm trình độ “CĐ” có 78,8 người thất nghiệp, giảm 6 ngàn người.

Ở quý này, nhóm trình độ “trung cấp”có số người thất nghiệp giảm nhiều nhất với 30,9 ngàn người thất nghiệp, còn 64,6 ngàn người. Tính về tỉ lệ, thất nghiệp CĐ chiếm tỉ lệ cao nhất 4,32%, tiếp đến là “ĐH trở lên” 4,12% và “trung cấp” thấp nhất chỉ 2,49%.

Cũng trong quý IV- 2017 có 545,9 ngàn lao động thanh niên thất nghiệp, giảm 65 ngàn người, đưa tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7,07%.

Phan Hoạt
.
.
.