Người “thắp lửa” giữ bình yên biên giới
- Bám bản, giữ bình yên biên giới
- Chung tay giữ bình yên biên giới
- Phối hợp đảm bảo bình yên biên giới
Luôn gương mẫu đi đầu, kết nối mọi gia đình, người dân tại địa phương để cuộc sống xóm làng luôn êm ấm, thuận hòa; là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân bản, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, giữ gìn TTATXH… Đó chính là ông Sộng Páo Nênh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Ông vinh dự được đại diện cho hàng trăm già làng, trưởng bản, người có uy tín của tỉnh Sơn La tham dự Hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ diễn ra vào tháng 10/2020.
Nằm khuất sâu giữa đồi núi trập trùng và những cánh rừng nguyên sinh dọc biên giới Việt Lào là xã Mường Cai. Đây là xã biên giới của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, có diện tích gần 15.000ha, dân số gần 6000 người với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Mông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng xấu đã trà trộn dụ dỗ, lôi kéo bà con vượt biên sang Lào, tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền cơ sở, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa bàn.
Ông Sộng Páo Nênh cùng lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền tại bản. |
Là người con của dân tộc Mông, ông Sộng Páo Nênh đã rất quan tâm đến phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Ông đã trực tiếp, thường xuyên vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, an ninh biên giới, góp phần đảm bảo ANTT tại địa bàn.
Từ năm 2015 đến nay, ông Sộng Páo Nênh đã phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức 51 hội nghị tuyên truyền tại các bản thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền phản bác các luận điệu sai trái về Nhà nước Mông, người Mông không nghe theo lời kẻ xấu…Ông còn đến từng hộ gia đình trong bản để tuyên truyền, giải thích tận tình cho bà con hiểu.
Một trong những người được ông Nênh tận tình quan tâm, giúp đỡ là anh Sồng Bả Giống ở bản Huổi Mươi, xã Mường Cai. Trước đây, vì nghe theo lời kẻ xấu nên anh Sồg Bả Giống đã di cư sang Lào tìm cuộc sống mới nhưng thực chất là tham gia hoạt động phỉ tại Lào. Anh bị Công an Lào bắt, bị kết án 13 năm tù về tội bạo loạn. Sau đó anh được trao trả và về chấp hành án tại Việt Nam.
Khi trở về địa phương, ông Sộng Páo Nênh, lúc ấy là Bí thư Đảng ủy xã đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đến động viên, giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn kinh tế… Giờ đây anh Sồng Bả Giống đã có việc làm, hai vợ chồng cùng nhau trồng trên 1ha lúa nương, chăn nuôi bò… thu nhập trung bình mỗi năm trên 60 triệu đồng. Anh Sồng Bả Giống xúc động nói: Khi mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, bản thân tôi rất mặc cảm và không biết làm gì sống.
Được sự giúp đỡ của bác Sộng Páo Nênh và cấp ủy, chính quyền xã, thường xuyên gần gũi, động viên, dần dần tôi cũng xóa được mặc cảm, xin được việc làm, lấy vợ. Lại được bác Nênh hướng dẫn cách trồng lúa trên đất dốc, hai vợ chồng tôi tập trung cùng làm. Giờ có được cuộc sống hôm nay, tôi thật sự biết ơn bác Nênh nhiều lắm.
Giờ đây, gia đình anh Sồng Bả Giống cùng nhiều người dân trong xã Mường Cai với sự giúp đỡ của ông Sộng Páo Nênh tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà đã thay đổi nhận thức, không nghe, không tin theo kẻ xấu, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm, xây dựng bản làng bình yên, kinh tế phát triển.
Nhiều hộ gia đình từ đời sống kinh tế khó khăn nay đã có thu nhập ổn định nhờ được hướng dẫn phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả có giá trị trên đất dốc đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng chanh leo, cam, quýt tại bản Huổi Khe, mô hình nuôi nhốt trâu, bò, lợn tại Háng Lìa, Huổi Khe, mô hình trồng lúa nước kết hợp phát triển nuôi cá tại các bản Nà Kham, Nà Dòn… Từ đó, tình hình an ninh biên giới, an ninh nông thôn luôn được ổn định, giữ vững, người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, không vượt biên trái phép, không di dịch cư tự do, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.
Ông Sộng Páo Nênh chia sẻ: Bản thân cũng là người Mông, thấy đồng bào mình bị kẻ xấu lợi dụng làm điều có hại cho bản, hại cho người dân thì tôi muốn giúp họ hiểu được luận điệu của kẻ xấu, không nên nghe và tin theo, giúp họ vươn lên thoát nghèo cũng là giúp cho quê hương mình ngày càng phát triển. Giờ thấy cuộc sống của người dân trong xã đang dần thay đổi, tôi vui mừng lắm, chỉ mong sao bà con cố gắng làm ăn chân chính và cảnh giác trước sự xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu để góp phần làm cho vùng biên giới của đất nước mình được bình yên và ngày càng phát triển.
Nói về những đóng góp của ông Sộng Páo Nênh, ông Quàng Đình Khải, Chủ tịch UBND xã Mường Cai cho biết: Trong quá trình sinh sống tại địa phương, ông Sộng Páo Nênh luôn là người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, được nhiều quần chúng yêu mến. Ông đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền cộng đồng dân cư chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Ông cũng là người tiêu biểu trong tham gia các phong trào phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ ANTT ở khu vực biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của địa phương.
Góp phần quan trọng vào sự thay đổi của xã Mường Cai, người dân nơi đây luôn nhắc đến ông Sộng Páo Nênh như một người già làng đáng kính. Ông đã và đang cùng với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành ở địa phương giữ cho cuộc sống của người dân nơi biên giới luôn bình yên.