Người lao động “bơ vơ” sau khi dừng hoạt động bến phà Đình Vũ

Chủ Nhật, 03/09/2017, 15:45
Vấn đề đặt ra cho bến phà Đình Vũ và hàng trăm người lao động tại đây sẽ đi về đâu và làm gì sau khi thành phố Hải Phòng quyết định dừng hoạt động bến phà này đang là bài toán và là nỗi lo của thành phố, doanh nghiệp cũng như người lao động.

Những ngày đầu tháng 9, với niềm vui chung của nhân dân thành phố Cảng, đặc biệt với người dân đảo Cát Hải và du khách cả nước đi du lịch đảo Cát Bà khi vào dịp lễ 2-9, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện chính thức đi vào hoạt động, chấm dứt cảnh hàng ngày người dân và các phương tiện tham gia giao thông qua phà Đình Vũ phải chờ đợi mất hàng giờ đồng hồ, chưa kể vào mùa du lịch, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, hè, các phương tiện qua đây phải chờ tới 3 đến 4 giờ mới qua được.

Cùng với việc cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đi vào hoạt động, điều kiện để phát triển kinh tế xã hội nói chung và đời sống của người dân đảo sẽ tiến lên một bước mới, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và sẽ đầu tư hàng loạt các cơ sở hạ tầng kinh tế cũng như du lịch về đây, làm thay đổi diện mạo của hòn đảo được đặt tên là “ đảo 3 không” trong suốt một thời gian dài.

Du khách và các phương tiện xếp hàng chờ qua phà Gót.

Đi với đó, vấn đề đặt ra cho bến phà Đình Vũ và hàng trăm người lao động  (NLĐ) tại đây sẽ đi về đâu và làm gì sau khi thành phố quyết định dừng hoạt động bến phà này đang là bài toán và là nỗi lo của thành phố, doanh nghiệp cũng như NLĐ.

Bến phà Đình Vũ sau 15 năm gánh vác nhiệm vụ trọng trách nối đất liền với huyện đảo, với 5 con phà chính và một số phà nhỏ, bến phà Đình Vũ đã phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, An ninh quốc phòng ( ANQP ) của thành phố và huyện đảo, đã vận chuyển 165.302 chuyến, với 635.283 lượt khách, gần 590 ngàn lượt ô tô và các phương tiện từ Đình Vũ ra đảo an toàn. Ngoài ra còn vận chuyển các phương tiện, nguyên vật liệu phục vụ công tác phòng chống, khắc phục thiên tai, cứu nạn, cứu hộ cho người dân đảo Cát Hải.

Trao đổi về vấn đề bố trí công việc cho Cán bộ công nhân viên làm việc tại bến phà Đình Vũ sau khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đi vào hoạt động, ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch Công đoàn CTCP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng chia sẻ: Việc cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành, bến phà Đình Vũ dừng hoạt động sẽ là một khó khăn lớn cho Công ty. Trên 100 NLĐ sẽ không có việc làm.

Do vậy ngoài phương án bố trí công việc cho NLĐ tại chỗ, Công ty mong muốn các cấp, ngành và thành phố quan tâm, xem xét cho Công ty được tiếp nhận, bảo trì một số hạng mục của cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và quản lý, khai thác hai đầu bến phà, cũng như phương án thành lập bến phà dự phòng phục vụ công tác đảm bảo ANQP, phòng chống lụt bão, hỗ trợ đảm bảo giao thông thông suốt khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đi vào hoạt động…

Hầu hết NLĐ tại bến phà Đình Vũ đều có chung một tâm trạng khi bến phà dừng hoạt động. Ông Phạm Văn S. một công nhân làm việc ở bến phà từ ngày mới thành lập đến nay chia sẻ với PV: “ Tôi cũng là người  Cát Hải, việc có được cây cầu vượt biển, nối liền đảo với đất liền là niềm mong mỏi từ bao đời nay của người dân quê tôi, chúng tôi vui mừng lắm. Tuy nhiên đi với đó CBCNV chúng tôi cũng không tránh khỏi lo lắng vì phải chia tay công việc mình đã gắn bó từ nhiều năm nay, trong khi chưa đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ chúng tôi rất mong muốn được thành phố và Công ty bố trí công việc mới, phù hợp với sức khỏe cũng như tay nghề, để tiếp tục được làm việc, có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống…”

Khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện thông xe, bến phà Đình Vũ dừng hoạt động thì một thực tế nữa nảy sinh, đó là do thuận lợi cho các phương tiện lưu thông từ Đình Vũ sang Cát Hải, lên số lượng phương tiện của khách du lịch tăng đột biến, nhất là ngay sau khi thông cầu lại là ngày nghỉ lễ lên bến phà Gót từ Cát Hải sang Cát Bà đã bị quá tải, dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng.

Trao đổi với ông Nguyễn Thành Nghiệp, Trưởng bến phà Gót, ông cho biết:”Luồng từ bến phà Gót sang Cát Bà có đặc thù là mật độ các phương tiện tàu thuyền lưu thông qua đây rất đông, do đó việc đảm bảo an toàn cho các chuyến phà được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

Xác định sau khi cầu Tân Vũ - Lạch huyện thông xe, lưu lượng các phương tiện qua đây sẽ tăng cao do đó đơn vị đã chủ động bảo dưỡng, sửa chữa tốt các phương tiện để phục vụ vận chuyển khách an toàn.

Tuy nhiên, với số lượng đầu phương tiện như hiện nay thì trong những ngày cao điểm, mật độ phương tiện đông thì việc ùn tắc là điều khó tránh khỏi. Xong CBCNV bến phà Gót chúng tôi luôn sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, phục vụ hành khách với khả năng cao nhất có thể, sẽ chạy tăng giờ, tăng chuyến trong phạm vi an toàn cho phép…

Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chủ quản cần đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu vực đầu bến, đường dẫn xuống phà để đảm bảo an toàn giao thông cũng như tránh ùn tắc cục bộ...”

Theo ông Nguyễn Kim Pha, Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng việc bổ xung, tăng cường thêm phà về hoạt động tại bến Gót để giải quyết vấn đề ùn tắc thì thành phố cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác chạy phà ở tuyến hàng hải có mật độ tàu thuyền qua lại rất lớn này…

Theo quan sát của phóng viên, từ trưa ngày 2-9 sau khi thông cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, hàng trăm phương tiện ô tô, cùng xe mày phải xếp hàng dài hàng km để qua phà Gót để ra Cát Bà. Mặc dù thời gian chạy phà qua bến này chỉ mất bình quân 20 đến 30 phút, xong vì lượng phương tiện quá đông lên có phương tiện phải chờ 2 đến 3 tiếng mới qua được phà.

Vào chiều nay 3-9 tình trạng tại đây cũng vẫn còn xảy ra ùn tắc, nhất là đầu phía Cát Bà về Cát Hải, do du khách trở về sau ngày nghỉ lễ. Lực lượng CSGT thuộc Đội 4 phòng CSGT đường bộ - đường sắt CA TP và Công an huyện Cát Hải phải liên tục thường trực, hướng dẫn, phân luồng, giữ TTATGT trên toàn tuyến.

Hy vọng thành phố Hải Phòng sẽ có những giải pháp hợp lý, tạo điều kiện về việc làm cho NLĐ khi dừng hoạt động bến phà Đình Vũ. Đi đôi với việc khai thác hiệu quả cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á này cũng cần đầu tư cho bến phà Gót, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn nhất cho người dân cũng như du khách trong và ngoài nước đến du lịch đảo Cát Bà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và ngành du lịch của huyện đảo và thành phố.

Văn Thịnh
.
.
.