Người đưa đèn lồng Hội An ra thế giới

Thứ Tư, 25/11/2015, 13:50
Đèn lồng Hội An (Quảng Nam) không chỉ là sản phẩm du lịch nổi tiếng trong nước mà hiện nay còn xuất bán ra nước ngoài và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Nhưng, thật khó tin, khi được biết, người xây dựng nên thương hiệu đèn lồng Hội An, lại là một kĩ sư cơ khí – ông Phạm Văn Hà, trú tại nhà số 72 Trần Nhân Tông, phường Cẩm Châu, TP Hội An...


Một ngày trung tuần tháng 11/2015, chúng tôi về phố cổ Hội An gặp ông Hà để tìm hiểu câu chuyện. Lúc này, có 7 du khách quốc tịch Anh, đang được ông Hà hướng dẫn làm lồng đèn ngay tại cơ sở của mình.

Ông Hà cho biết, nhiều năm qua ngoài nhiệm vụ sản xuất lồng đèn bán trong nước và nước ngoài, thì cơ sở còn là điểm đến tham quan, hướng dẫn du khách trực tiếp làm lồng đèn truyền thống.

Ông Phạm Văn Hà, người đầu tiên đưa đèn lồng Hội An xuất khẩu ra nước ngoài.

“Gia đình tôi có truyền thống làm lồng đèn lâu đời, chính cha tôi đã dạy tôi vót những nan tre, cắt từng thớ vải để làm đẹp lồng đèn. Thế nhưng, khi đó tôi chưa thật sự mặn mà tiếp quản phát triển nghề truyền thống gia đình. Sau khi tốt nghiệp ngành kĩ sư cơ khí năm 1995, tôi bôn ba nhiều nơi làm thuê. Trải qua hơn 3 năm, nhưng thấy không thể phát triển công việc nên tôi về lại quê nhà. Lúc này, nghề làm lồng đèn của gia đình đã không còn nữa. Trong những lần lang thang khắp phố Hội, thấy nhiều gia đình cũng trưng bày bán lồng đèn, nhưng không thật sự chất lượng. Mãi đến khi chương trình phát thanh vang lên bài nói về nghề làm lồng đèn, tôi như bừng tỉnh giấc và thực sự trở lại với nghề làm lồng đèn truyền thống của gia đình”, ông Hà tâm sự…

Ông Hà tự tay đi tìm chặt những thanh tre, mua từng miếng vải dệt về làm lồng đèn trở lại. Những kinh nghiệm ngày xưa cha cầm tay chỉ dạy khiến ông Hà vừa làm vừa rơi nước mắt khi đó. Sau nhiều ngày khổ công làm lồng đèn, đạp xe bỏ mối tại các quầy lưu niệm thì công sức của ông Hà đã được đền đáp xứng đáng khi được du khách chọn mua. Phấn khởi, ông Hà vay mượn tiền bạc đầu tư cơ sở nhỏ, xin giấy phép kinh doanh đặt tên Hà Linh làm thương hiệu. Ban đầu chỉ một tay ông Hà cùng vợ con làm, thấy lồng đèn làm ra không đủ bán nên bắt đầu tuyển thêm lao động có tay nghề về làm. Hiện nay, cơ sở của ông có 50 lao động làm thường xuyên, với mức lương hằng tháng mỗi người hơn 3,5 triệu đồng…

Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở của mình, ông Hà giới thiệu rằng, mỗi lao động đều làm một khâu riêng biệt để làm nên chiếc lồng đèn truyền thống. Ngoài việc đưa lồng đèn ra bán cho du khách tại phố cổ, gia đình ông còn bỏ mối sản phẩm này khắp trong nước. Đặc biệt, cơ sở của ông đi tiên phong xuất khẩu lồng đèn sang các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ; có năm xuất bán đến 20 nghìn chiếc lồng đèn sang thị trường châu Âu. Để làm được điều đó, ông Hà phải bỏ nhiều thời gian đi đây đó tham quan, học hỏi, cải tiến mẫu mã phù hợp thị hiếu khách hàng.

Hiện nay, nhiều cá nhân, đơn vị làm lồng đèn vẫn thường xuyên liên hệ cơ sở của ông Hà để học hỏi nghề làm lồng đèn; cách bán sản phẩm ra nước ngoài, ông Hà luôn hướng dẫn tận tình. Giờ đây, lồng đèn của gia đình ông Hà đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, thế nhưng lúc nào ông cũng luôn khiêm tốn khi nói về nghề làm lồng đèn của gia đình. Bởi với ông, mỗi ngày đều phải tìm tòi học hỏi và sáng tạo để phát triển mạnh hơn nữa, đưa lồng đèn Hội An đến khắp nơi trên thế giới.

Văn Luận
.
.
.