Người dân xứ Huế thương tiếc các cán bộ hy sinh tại Trạm 67
- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính động viên lực lượng cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3
- Tìm thấy 1 thi thể nạn nhân ở thủy điện Rào Trăng 3
- Khẩn trương mở đường 71 vào điểm sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3
Ông Nguyễn Văn Bình (SN 1978, quê quán xã Phong An, huyện Phong Điền; trú tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà). Ông được HĐND huyện Phong Điền bầu cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Phong Điền tại tại kỳ họp chuyên đề lần thứ sáu, khóa 6, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vào ngày 1/9/2020.
Trước đó ông Bình từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc; Giám đốc Ban ĐTXD huyện Phong Điền; Bí thư Đảng ủy xã Phong An; Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng UBND huyện Phong Điền; Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Phó Bí thư Huyện ủy Phong Điền.
Đoàn công tác hội ý nhanh tại hội trường Huyện ủy Phong Điền trước giờ đi vào thủy điện Rào Trăng 3 thì gặp nạn. Trong ảnh, ông Nguyễn Văn Bình (mang áo xanh nhạt tay ngắn) và ông Phạm Văn Hướng (người đội mũ lưỡi trai). |
Ngay sau khi thi thể ông Bình cùng các CBCS được lực lượng cứu hộ cứu nạn đưa về nhà tang lễ 268, TP Huế trong tối 15/10 thì người thân, gia đình của ông Bình ở quê nhà cũng chuẩn bị lo việc hậu sự cho vị lãnh đạo huyện này.
Trong sáng 17/10, mưa lớn khiến tuyến đường dẫn vào nhà ông Bình ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà bị ngập. Người thân, bà con xóm giềng, cán bộ UBND huyện Phong Điền và người dân địa phương đến chia buồn cùng gia đình. Bên trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, công tác hậu sự đã được chuẩn bị hoàn tất để chờ đón thi thể ông Bình về sau lễ truy điệu được tổ chức tại nhà tang lễ 268 vào ngày 18/10.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (người thứ 2 từ trái sang) trong lần đến thăm hỏi người dân ở địa bàn huyện. |
“Anh Bình là cán bộ trẻ năng nổ, luôn khát khao cống hiến. Trong tất cả các công việc, anh đều gương mẫu, đi đầu để làm gương cho cán bộ UBND huyện. Dù anh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch huyện chưa được bao lâu nhưng được các cán bộ quý mến. Anh là con trai duy nhất trong nhà, hiện sống với mẹ già hơn 70 tuổi cùng vợ và 2 con nhỏ đang học Trung học cơ sở. Anh hy sinh đột ngột khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa”, một cán bộ UBND huyện Phong Điền cho biết.
Con đường vào nhà ông Nguyễn Văn Bình ngập nước trong sáng 17/10 do mưa lớn. |
Trước thời điểm đoàn công tác gặp nạn, tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn, nhiều xã thấp trũng của huyện Phong Điền bị ngập lụt nặng. Ông Bình cùng các cán bộ của UBND huyện và lực lượng chức năng đã đến nhà dân để thăm hỏi, động viên và yêu cầu các đơn vị, lực lượng phải khẩn trương di dời các hộ dân ở vùng ngập lụt sâu đến nơi an toàn.
Hình ảnh vị Chủ tịch UBND huyện với khuôn mặt hiền hậu lội nước lũ đến thăm, động viên người dân khiến nhiều người không cầm được nước mắt khi biết tin ông Bình đã hy sinh.
“Trước khi là Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, anh Bình là Bí thư Đảng ủy xã Phong An. Trong thời gian anh công tác tại địa bàn xã, anh được người dân ở địa phương chúng tôi quý mến bởi đức tính hiền hậu, nhiệt tình trong công việc và sẵn sàng giúp đỡ người dân giải quyết mọi công việc liên quan do anh phụ trách. Giờ nghe tin anh hy sinh mà tôi và nhiều người dân trong thôn không cầm được nước mắt”, ông Lê Văn Mậu (ở thôn Phò Ninh, xã Phong An) bày tỏ.
Gia đình chuẩn bị hậu sự cho Chủ tịch UBND huyện Phong Điền. |
Nghe tin ông Phạm Văn Hướng (SN 1968, quê quán huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trú ở chung cư Xuân Phú, TP Huế), Trưởng phòng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 trong số 13 CBCS hy sinh tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 mà nhiều đồng nghiệp là phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đóng ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không khỏi đau xót, bàng hoàng.
Phóng viên Lê Văn Hiếu (ở TP Huế) xúc động chia sẻ: “Trong cuộc sống và công việc, anh Hướng luôn được anh em, bạn bè đồng nghiệp quý mến bởi đức tính hiền hòa, sự nhiệt huyết, đam mê với nghề. Từ nay mỗi cuộc hội thảo, hội nghị do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, các phóng viên, đồng nghiệp sẽ không còn được gặp gỡ anh nữa rồi”.
Mẹ ruột ông Nguyễn Văn Bình cùng người thân đau buồn khi hay tin ông Bình hy sinh tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67. |
Anh Hướng có 2 người con gái là Phạm T.H. (SN 1999, hiện đang học năm 4 trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) và Phạm H.A. (SN 2003, học lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế). Chúng tôi bắt gặp hai em H. và A. đứng khép nép buồn bã sau dãy nhà chờ được bố trí cho thân nhân các CBCS hy sinh tại Bệnh viện Quân y 268.
“Hôm nghe tin từ các cán bộ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo ba em mất tích cùng với nhiều người trong đoàn công tác đi vào thủy điện Rào Trăng 3 mà em bồn chồn, lo lắng khôn nguôi. Dù biết chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng ba sẽ được lực lượng cứu nạn tìm thấy đưa về an toàn. Tuy nhiên đến hôm qua, thi thể của ba và các chú, các bác trong đoàn công tác được đưa về đây sau khi được tìm thấy tại khu vực sạt lở ở Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 thì hai chị em không tin ba đã mất. Ba em và các chú, các bác đã làm tròn nhiệm vụ của mình”, em H. nghẹn ngào nói.
Người thân vào thắp hương cho các CBCS tại nhà tang lễ 268, TP Huế. |
Ông Phạm Văn Dương (SN 1964, ở huyện Đông Lâm, tỉnh Thái Bình, anh trai của ông Hướng) cho hay, sau khi nhận được tin, 20 người thân trong gia đình đã đón xe vào TP Huế và túc trực tại Bệnh viện Quân y 268 để chờ đợi đến giờ viếng và lễ truy điệu được tổ chức chung cho 13 CBCS hy sinh.
Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 13 Liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng ký quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho ông Nguyễn Văn Bình và ông Phạm Văn Hướng khi đã có hành động dũng cảm trong công tác cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3.