Người dân ngăn chặn sà lan khai thác cát
- Tạm dừng 13 dự án khai thác cát trên sông Đồng Nai
- Không kiểm soát được hoạt động khai thác cát, ĐBSCL sẽ lâm nguy!
- Bắt ba phương tiện khai thác cát trên sông Tiền
Những ngày qua, người dân tại Cồn Cũ (ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang) bức xúc khi phát hiện một số sà lan khai thác cát “bủa vây” khu vực này. Điều khiến người dân hoang mang là sự việc xảy ra chỉ sau gần 1 tháng kể từ khi vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Mỹ Hội Đông (ngày 22-4), cùng huyện Chợ Mới. Đỉnh điểm của vụ việc là ngày 19-5, hàng chục hộ dân nơi đây đã “đụng độ” với sà lan khai thác cát, để ngăn chăn đơn vị thi công tiếp tục khai thác cát, trong thời gian chờ đợi ý kiến từ các cơ quan chức năng.
Người dân khu vực Cồn Cũ, túc trực tại khu vực các sà lan, nhằm ngăn chặn đơn vị thi công tiếp tục khai thác cát. |
Theo tìm hiểu, các sà lan khai thác cát nói trên là của Công ty TNHH MTV Dương Khang (gọi tắt là ông ty Dương Khang), hoạt động theo Quyết định số 1387/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi ký vào đầu tháng 5-2017. Quyết định phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch Cù Lao Giêng thuộc các xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, Mỹ An, Hội An và thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới cho Công ty Dương Khang, quyền khai thác với giá 15.000 đ/m3 cát và số tiền phải nộp hơn 300 triệu đ/năm; trữ lượng được cấp quyền khai thác là 480.000m3...
Quyết định trên đã khiến người dân tại khu vực trên bức xúc, vì cho rằng việc khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sản xuất, lao động của hàng ngàn hộ dân. Ông Đoàn Văn Đống (67 tuổi, ngụ ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ), bức xúc: “Nếu để phương tiện lấy cát tự do trên sông như thế này, thì Cồn Cũ này sẽ biến mất vĩnh viễn. Chính vì thế, chúng tôi đã góp tiền lại, thuê ghe chạy ra khu vực các sà lan đang hoạt động để ngăn cản”.
Người bức xúc trước việc UBND tỉnh An Giang cấp phép cho Công ty Dương Khang khai thác cát, trong khi tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra trầm trọng. |
Những vị cao niên tại đây cho biết, Cồn Cũ được hình thành trên 200 năm nay, nằm cạnh nhánh sông Tiền, với diện tích khoảng 48ha, khoảng hơn 200 hộ dân sinh sống bằng nghề trồng xoài và bắp. Cồn nằm ở ngã ba nên năm nào cũng bị sạt lở hàng chục mét, khiến nhiều hộ dân phải di dời nhà đến nơi khác sinh sống.
Để hạn chế tình trạng trên, cách nay 3 năm, hàng chục người dân ở đây cùng nhau đốn cây làm giàn đăng chiều dài hơn 70, cao 5m đóng chặn phía trước để hạn chế nước chảy vào đầu cồn. Ngoài ra, để phục vụ cho việc đi lại, người dân đã cùng nhau đóng góp trên 1,1 tỷ đồng xây cầu bắc qua cồn và khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, họ cho rằng nếu việc khai thác cát diễn ra về lâu dài Cồn Cũ sẽ bị xóa sổ, công sức, tiền của đổ trôi sông.
Cùng bức xúc trên anh Phạm Quốc Khanh (37 tuổi, sống tại Cồn Cũ), cho biết: “Vì sợ nước chạy manh, cuốn mất đất sản xuất, nhà cửa… bà con chúng tôi phải hạn chế chi tiêu, dành tiền, dự định sắp tới sẽ góp lại mua thêm các trụ cột để tấn bao cát thêm đầu cồn để chống sói lở. Chính quyền không hỗ trợ thì thôi, nay lại còn cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát. Vậy việc làm của người dân nơi đây dã tràng hết”. Cũng theo người dân nơi đây, khu vực mà sà lan khai thác cát hoạt động là một nhánh của sông Tiền (rộng 500-700m), chứ không phải con rạch Cù Lao Giêng như trong quyết định của UBND tỉnh An Giang. Đồng thời, khu vực này trước giờ hầu như không có tàu thuyền lớn qua lại, vậy tại sao lại phải nạo vét ?
Hàng chục hộ dân thuê tàu ra ngăn chặn sà lan khai thác cát trên sông. |
Xung quanh vấn đề trên, theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đây là dự án nạo vét thông luồng, chứ không phải khai thác khoáng sản. Khu vực được cấp phép là 1 trong 10 đoạn sông cần nạo vét ở An Giang và đã có quy hoạch, chủ trương từ năm trước.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh An Giang siết chặt việc khai thác cát dẫn đến nguồn cát khan hiếm. Trong khi đó, tỉnh đang cấp bách triển khai dự án xây dựng khu dân cư cho 107 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông.
Số cát này sẽ được dùng để san lấp mặt bằng xây dựng khu dân cư trên. Còn về mục đích của việc khơi thông luồng lạch là để chỉnh trị dòng chảy giữa sông, không làm sạt lở hai bên bờ và giúp tàu bè đi lại thuận tiện. Quá trình thực hiện, nếu luồng đó có cát thì mới tận thu khoáng sản (đóng thuế). Có những luồng không có cát thì vẫn phải thông luồng. Luồng này, qua khảo sát là có cát nên vừa thông luồng vừa tận thu khoáng sản, chứ đây không phải mỏ cát.