Hà Nội trong ngày đầu điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh:

Người dân chưa quen, giao thông xáo trộn

Thứ Ba, 03/01/2017, 08:11
Từ 0h ngày 2-1-2017, các tuyến xe khách liên tỉnh về Hà Nội thuộc diện điều chuyển đã chính thức về các bến xe mới theo phương án sắp xếp điều chuyển của Sở GTVT.

Theo đó, từ chiều 2-1, các xe khách từ các tỉnh sẽ về bến mới theo phương án điều chuyển. Với  mục tiêu điều chuyển để giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên trong ngày 2-1, do là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ, nên tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra.

Nhiều người dân vẫn chưa biết lịch điều chuyển

Chiều 2-1, tại bến xe Nước Ngầm đã có khá nhiều nhà xe từ bến Mỹ Đình chuyển về đây. Tuy nhiên, nhiều nhà xe cũng tỏ ra lo lắng về lượng khách xuất bến.

Một lái xe tuyến Nho Quan-Ninh Bình, vừa nói vừa chỉ tay lên chiếc xe chuẩn bị dời bến than thở: “Bình thường giờ này xe xuất bến từ Mỹ Đình thì cũng đã được 10-20 khách, ngày đầu sang bến Nước Ngầm, xe xuất bến giờ cao điểm cũng chỉ được 4-5 khách”.

Nhiều người dân còn gặp khó khăn với việc điều chuyển luồng tuyến.

Tài xế này cũng tỏ ra lo lắng hơn, khi nghĩ đến cảnh người dân sẽ có thói quen vào bến Giáp Bát bắt xe về Ninh Bình, chứ không mấy ai qua bến xe Nước Ngầm. Do đó, thời gian tới nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ khó trụ lâu được.

Không chỉ các doanh nghiệp lo lắng, trong ngày 2-1, nhiều người dân khu vực Mỹ Đình cũng chưa biết việc điều chuyển này. Bác Phạm Văn Thồ ở khu vực Mỹ Đình, vừa bắt chuyến xe buýt tăng cường xuống Nước Ngầm, để tìm xe về quê Thái Bình cho biết: “Hôm trước lên thì xe về thẳng bến Mỹ Đình, hôm nay ra đấy bắt xe về Thái Bình, thì lại được hướng dẫn qua tận đây. Vậy là từ giờ, mỗi lần về quê, tôi lại phải mất thêm 30-45 phút di chuyển bằng xe buýt ra bến Nước Ngầm”.

Trước đó, sáng 2-1, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, cơ bản các nhà xe đã chấp hành chủ trương điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến. “Khoảng 4h sáng 2-1, có một số xe của Nghệ An và một vài tỉnh khác đưa xe lên bến Mỹ Đình do vẫn chưa hiểu rõ chủ trương của thành phố.

Chúng tôi đã tiếp tục giải thích, tuyên truyền và nói rõ ý nghĩa của chủ trương nên sau đó các nhà xe đã hiểu và đưa xe về bến Nước Ngầm”, ông Long nói và cho biết thêm, Sở GT-VT Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn phải tạo thuận lợi nhất cho các nhà xe chuyển đi và chuyển đến; Chủ động cấp đổi phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định” cho các nhà xe.

Liên hệ với các địa phương để giải quyết các vướng mắc cho các nhà xe trong quá trình điều chuyển tuyến. Mọi công việc phải xong trước ngày 15-1-2017 để các nhà xe sớm ổn định kinh doanh, hoạt động, phục vụ tốt nhất hành khách trong dịp Tết Âm lịch sắp tới.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc CTCP Bến xe Hà Nội cũng cho biết, trong buổi sáng ngày đầu điều chuyển, còn một số hành khách đến bến xe Mỹ Đình để đi các tỉnh phía Nam.

Bến xe cũng đã hướng dẫn họ đi xe buýt ra bến Nước Ngầm hoặc Giáp Bát. Để tạo thuận lợi nhất cho hành khách, Sở GTVT Hà Nội cũng đã phát đi thông báo hướng dẫn hành khách đi xe buýt kết nối giữa các bến xe.

Cần có phương án phân luồng hợp lý

Tính đến chiều 2-1, đã có khoảng 100/440 lượt tuyến xe khách từ Mỹ Đình chuyển về Nước Ngầm. Như vậy, cộng với lượng xe đang hoạt động tại bến, thì mỗi ngày sẽ có khoảng 800 lượt xe xuất bến.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND trong chiều 2-1, bên trong bến xe, việc sắp xếp phân luồng xe vào ra đã khá khoa học nhưng bên ngoài bến giao thông có phần diễn biến phức tạp.

15h30 chiều, dù chưa phải cao điểm, nhưng ngã ba Giải Phóng - Pháp Vân; Pháp Vân - đường cao tốc Cầu Giẽ, lượng xe lưu thông luôn trong tình trạng kín đường. Nếu vào giờ cao điểm, lượng xe gia tăng thì khu vực này khó tránh được ùn tắc cục bộ. 

Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (đơn vị chịu trách nhiệm điều tiết giao thông tại quận Hoàng Mai) cho biết: Lượng xe lưu thông bình thường đã nhiều, nay lại thêm đông, vì thế Đội CSGT số 14 đã phải tăng cường để điều tiết, đảm bảo giao thông thông thoáng, nhất là khu vực ngã ba Pháp Vân.

Như trong ngày 2-1, từ 5h sáng, Đội đã phải bố trí lực lượng chốt trực. Cao điểm nhất là thời gian từ 17h-22h cùng ngày, tại mỗi nút phải cần tới 7-8 thậm chí hơn 10 cán bộ chiến sĩ tham gia điều tiết giao thông. 

Theo Trung tá Tiến, về lâu dài, Sở GT-VT nên tính đến phương án phân luồng xe tải đi một đường khác, chứ không cho rẽ qua nút giao Giải Phóng - Pháp Vân - Ngọc Hồi.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quang Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cũng đề xuất được xén vỉa hè để mở rộng làn cho xe vào ra, đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét việc mở rộng đường Trần Thủ Độ, để phân luồng xe tải đi theo hướng đó, chứ không đi qua ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng như trước.

Đề cập đến khó khăn của các doanh nghiệp, ông Lập cho biết, trong thời gian đầu, bến xe Nước Ngầm sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà xe hoạt động, nếu xe nào xuất bến không có khách, sẽ được miễn phí bến bãi.

Song bên cạnh đó, các nhà xe cũng nên cố gắng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu riêng của mình, như vậy không lo vắng khách.

Được biết, để phục vụ hành khách đi lại thuận tiện, Sở GT-VT cũng đã bố trí sẵn xe buýt để phục vụ hành khách đi lại giữa các bến xe đến trung tâm thành phố. Trong đó bến Giáp Bát có 16 tuyến và bến Nước Ngầm có 4 tuyến kết nối từ bến xe này đến các bến xe khác qua trung tâm thành phố và ngược lại.

Trước đó, tại cuộc họp đối thoại với các DN vận tải, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, việc điều chuyển không thể không thực hiện vì lợi ích chung của thành phố, nhằm sắp xếp lại mạng lưới vận tải hành khách liên tỉnh nói riêng, giao thông vận tải nói chung. Sở GT-VT Hà Nội cam kết công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích tất cả các bên trong quá trình điều chỉnh.

Đặng Nhật
.
.
.