Người dân 2 thôn mòn mỏi giấc mơ về một cây cầu

Thứ Sáu, 01/04/2016, 11:23
Hình ảnh chiếc cầu làm từ những miếng gỗ, ván và bên dưới là những tảng đá, chiếc phao nổi bập bênh đặt bên dưới luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân xã Thiệu Long, Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Hai thôn Tiên Long, Tiên Nông với gần 1.000 nhân khẩu bao năm mơ ước một cây cầu nhưng chưa bao giờ thành hiện thực...


Vài chục năm nay, cứ tới mùa lũ hay nước lớn, bà con nhân dân trong hai thôn Tiên Long, Tiên Nông lại bị cô lập, không thể đi sang chợ hay giao thương buôn bán vì cây cầu bắc qua con sông làm bằng những mảnh gỗ mỏng manh, tạm bợ, không có lan can hay rào chắn hai bên và gây nguy hiểm cho tính mạng của mọi người.

Cây cầu sông Chày được làm tạm bợ, bấp bênh nối hai thôn Tiên Long, Tiên Nông với xã bên cạnh.

Hình ảnh chiếc cầu làm từ những miếng gỗ, ván và bên dưới là những tảng đá, chiếc phao nổi bập bênh đặt bên dưới luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân ở nơi đây. Chỉ cần có một chiếc xe máy đi qua, chiếc cầu gỗ rung lắc, nghiêng hẳn về một phía, xô đẩy từ bên này sang bên kia...

Chỉ cần một người ngồi lên tảng đá nhỏ, chiếc cầu gỗ đã nghiêng hẳn sang một bên.

Bà Lê Thị Tiến (Phú Lai, Thiệu Long, Thiệu Hóa) cho biết, cây cầu gỗ có khoảng 10 năm nhưng chỉ dám sử dụng vào mùa nước cạn. Vào mùa mưa, nước lên to, trẻ em ở hai thôn Tiên Long và Tiên Nông phải nghỉ học hoàn toàn.

“Cầu này bất tiện thật nhưng tiện lợi không kém. Nếu không có cầu, dân hai thôn cũng không biết đi lại như thế nào, ngày mưa học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể  mặc áo phao rồi đi qua chứ còn nhỏ hơn phải có phụ huynh còn không thì cho nghỉ học” - bà Tiến bộc bạch.

Trẻ em đi qua đây phải dắt xe, chỉ cần có một chiếc xe máy là tất cả phải chờ chứ không dám liều mình đi qua.

Những thanh gỗ được sử dụng từ hàng chục năm nay đã mòn, thậm chí mủn nát, nhưng vẫn được sử dụng để tạo thành cây cầu, là nơi nối hai thôn với vùng trung tâm của xã. Những em nhỏ nơi đây chỉ dám qua cầu khi nước cạn, và đặc biệt, với chiều dài gần 30m, chiều rộng khoảng 1,3m, một chiếc xe máy đi qua cũng chiếm gần hết diện tích cầu nên phải chờ,  nếu chen lấn vì có thể ngã xuống sông bất cứ lúc nào.

Chiếc cầu được làm vô cùng sơ sài với những tảng đá và phao nổi bên dưới.

Người dân ở đây cho biết, vì độ dốc cao nên mỗi khi đi qua, những người chở đồ hay phụ nữ không vững tay lái là lao thẳng... xuống sông. Một số người chăn thả trâu bò ở khu vực này kiêm luôn nhiệm vụ "cứu hộ" những người không may ngã xuống sông.

Ông Nguyễn Công Tình – Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết, chiếc cầu gỗ được làm cách đây khoảng 10 năm, sau sự  việc thương tâm 3 mẹ con qua sông bị lật thuyền tử vong. Từ đó dân có kiến nghị làm cầu gỗ để tiện đi lại nhưng chỉ vào mùa khô, còn mùa mưa, học sinh, bà con hai thôn Tiên Long và Tiên Nông phải nghỉ học.

“Có đợt nước cao hơn 10 ngày, học sinh cũng phải nghỉ học hết, nhà nào có người quen bên này thì cho gửi nhờ. Nhiều lúc dân bảo chạy thuyền qua nhưng chúng tôi kiên quyết không giải quyết vì không an toàn” - ông Tình chia sẻ.

Hàng ngày có tới hàng trăm lượt qua lại cây cầu gỗ này bất chấp nguy hiểm.

Cây cầu gỗ ọp ẹp, nguy hiểm là con đường duy nhất nối hai thôn Tiên Long, Tiên Nông với hơn 900 nhân khẩu để ra được vùng trung tâm của xã. Chính vì vậy, dù nguy hiểm tới cỡ nào, bà con nơi đây vẫn sử dụng hàng ngày. Những chiếc áo phao được xã trang bị với số lượng ít ỏi, đủ để vài học sinh đi qua khi nước lên cũng không thấm vào đâu so với số lượng người ở hai thôn này.

Cũng theo ông Tình, với những người dân trong thôn đi qua cầu phải đóng 3kg lúa/ người/ năm còn những nhà có xe máy là 40.000/xe/năm  và khách vãng lai 5. 000/lượt để nhằm lấy phí tu bổ, sửa lại cầu phục vụ cho mọi người. Nhưng đi trên chiếc cầu này thực sự là một thử thách, nhất là đối với khách vãng lai.

Đoàn Huyền – Đặng Huyền
.
.
.