Người cựu binh bị thương nửa thế kỷ đã được công nhận thương binh

Thứ Ba, 24/07/2018, 08:24
Giữa những ngày tháng 7, cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, chúng tôi nhận được tin vui: Ông Hà Duy Nguyên ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - người cựu binh bị thương nửa thế kỷ đã được nhận quyết định công nhận thương binh sau bao năm mòn mỏi chờ đợi. 


Hai năm qua, Báo CAND đã cùng ông gõ cửa các cơ quan chức năng, hoàn thiện hồ sơ. Và cuối cùng, tâm nguyện của người lính già ấy đã thành hiện thực.

Niềm vui tháng 7

Giọng nói của người lính già không còn nhiều sức lực bị ngắt quãng nhưng lộ rõ niềm vui không thể đặt tên: “Mừng lắm cô ơi!”. Rồi ông kể, ông cùng 4 cựu chiến binh trong huyện vừa được Ban chỉ huy Quân sự huyện đón lên Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh nhận thẻ thương binh và truy lĩnh. 

Trước đó, ông cũng đã được nhận quyết định hưởng chế độ thương binh từ Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thái Bình. Vậy là, niềm mong mỏi không chỉ của ông, gia đình ông mà còn của cả chúng tôi đã thành hiện thực.

Vợ chồng ông Hà Duy Nguyên vui mừng nhận quyết định hưởng chế độ thương binh sau nhiều năm chờ đợi. Ảnh Mai Hoa

Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi tìm về nhà ông Hà Duy Nguyên trong một ngày hè nóng bức. Căn nhà nhỏ của ông nằm yên ả giữa làng, nhưng chúng tôi cảm nhận ông chưa thể yên lòng tĩnh dưỡng tuổi già. Vợ ông cho biết, những ngày nắng nóng như thế này hoặc trái gió trở trời là ông lại bị đau đầu như búa bổ.

Mảnh đạn pháo găm trong đầu vẫn hành hạ ông mấy chục năm nay. Một bên tai thì bị điếc do sức ép bom đạn và vết thương nơi chiến trường. Vào sinh ra tử, từ chiến trường trở về ông không còn lưu giữ được giấy tờ, đó là trở ngại khiến ông ngậm ngùi khi không được công nhận là thương binh.

Khi chế độ ưu đãi người có công được thực hiện với quy trình cởi mở hơn, ông làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị công nhận thương binh. Với người lính già bao lần cận kề cái chết, điều quan trọng đối với ông lúc này không chỉ là những đồng tiền trợ cấp, mà cao hơn là danh dự, là sự ghi công của Nhà nước đối với cống hiến của ông cũng như các đồng đội. 

Năm 2007, ông gửi đơn và chờ đợi. Hết năm này qua năm khác, không một dòng chữ, một lời hồi âm. Và thế là, một lá đơn khác kèm tài liệu ông gửi tới Báo CAND. 

Thông tin trong hồ sơ ông gửi cho chúng tôi thể hiện, ông nhập ngũ ngày 25-8-1971, được huấn luyện ở Tiểu đội 12, Trung đội 4, Đại đội 4, Tiểu đoàn 915, Trung đoàn 51 thuộc Quân khu 3. Ngày 29-1-1972, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Tháng 8-1972, ông được bổ sung vào Tiểu đội 10, Trung đội 4, Đại đội 4, Tiểu đoàn 410, T3 hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. 

Khi đơn vị đang làm nhiệm vụ ở khu vực rừng Tám Ngàn thuộc ấp Nam Thái Sơn, tỉnh Kiên Giang ngày 31-10-1972, địch càn vào căn cứ, ông bị thương ở đầu và được đưa vào điều trị ở trạm xá dã chiến rừng U Minh. Mảnh đạn nằm trong đầu ông từ đó đến nay. 

Sau khi sức khỏe tạm thời ổn định, ông được về đơn vị H5, Đoàn 195-S, Quân khu 9, tiếp tục chiến đấu ở An Giang cho đến ngày giải phóng. Sau giải phóng miền Nam, đơn vị ông đóng ở Cần Thơ. Ngày 31-10-1975, ông phục viên.

Hành trình tìm hồ sơ trong… ngăn tủ

Chúng tôi đã cất công tìm hiểu xem hồ sơ của ông hiện đang ở đâu. Đơn và giấy tờ gửi từ năm 2007. Nhưng phải 7 năm sau, tức là tới năm 2014, cán bộ xã mới hướng dẫn ông hoàn thiện lại hồ sơ vì thiếu giấy tờ. Câu hỏi: “vì sao phải đợi tới 7 năm mới hướng dẫn làm giấy tờ” được giải đáp: “Vì… chưa có đợt”. 

Niềm vui của người CCB bị thương nửa thế kỷ đã được công nhận thương binh. Ảnh Mai Hoa

Sau năm 2014, lại tiếp tục là sự im ắng. Những người có trách nhiệm ở UBND xã Thái Dương cũng không biết sau khi chuyển lên cấp trên thì hồ sơ của ông Nguyên lưu lạc ở đâu.

Mang theo toàn bộ thông tin thu thập được, chúng tôi đến Ban chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy. Nhận được đề nghị làm việc của chúng tôi, Ban chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy lục lại hồ sơ của ông Hà Duy Nguyên. Đúng là năm 2014, hồ sơ của ông Nguyên được chuyển về huyện nhưng sau đó thì lại được cất vào… ngăn tủ. 

Lý giải về việc này, Ban chỉ huy Quân sự huyện cho biết, hồ sơ của ông vẫn chưa hoàn thiện vì giấy chứng nhận bị thương của ông do đơn vị xác nhận có dấu bị mờ, một số nội dung không rõ. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao ông Hà Duy Nguyên không được thông báo mà hồ sơ lại cất vào ngăn tủ. 

Ngay sau cuộc làm việc với chúng tôi, Ban chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy đã có thông báo đề nghị ông Hà Duy Nguyên xin lại giấy xác nhận chỉ vì lý do “con dấu mờ, một số nội dung không rõ”.

Và thế là, để “xác nhận” lại giấy chứng thương, giữa năm 2016, vị cựu binh gần 70 tuổi sức yếu, mắt mờ một mình lặn lội cả ngàn cây số từ Thái Bình vào Cần Thơ, tìm đến Quân khu 9 để xin giấy xác nhận theo hướng dẫn. Ngày 11-7-2016, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 9 có Văn bản số 03/GXN xác nhận quá trình công tác của ông Nguyên trong quân đội do Đại tá Phan Văn Chương, Tham mưu trưởng Cục Hậu cần ký. 

Theo xác nhận, thời gian công tác của ông Nguyên có trong hồ sơ lưu trữ của đơn vị đúng như ông đã trình bày. Sau khi có xác nhận trên, ông Nguyên đã gửi hồ sơ đến UBND xã Thái Dương để thực hiện lại quy trình từ đầu.

Bài báo đầu tiên viết về ông đăng trên Báo CAND ngày 14-6-2016. Tiếp theo đó là các bài báo thúc giục, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết hồ sơ cho ông Hà Duy Nguyên theo đúng quy định. Không chỉ đăng bài, chúng tôi còn gọi điện, hỏi từng bước giải quyết hồ sơ, từ Cục Chính sách, Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng), Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình. 

Cuối cùng, sau 2 năm chờ đợi, thúc giục, cuối tháng 5-2018, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình đã thông báo cho chúng tôi quyết định tiếp nhận hồ sơ và chi trả trợ cấp ưu đãi thương binh loại 4/4 từ Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng) chuyển về. Và, tháng 7 này, đúng vào tháng tri ân người có công với cách mạng, ông Hà Duy Nguyên đã được cầm trong tay tấm thẻ thương binh. 

Như vậy, với những nỗ lực, cố gắng của những người làm Báo CAND và sự hợp tác của cơ quan chức năng dù có muộn mằn, người cựu binh già ấy đã được an ủi, được bù đắp sau bao năm tháng chờ đợi, dẫu có thiệt thòi.

Chúng tôi được biết, chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi, nhưng vẫn còn nhiều người lính chưa được ghi công vì một vài lý do nào đó. Mong rằng những người làm chính sách hãy bớt vô cảm, hãy nhớ đến những ngày đất nước gian nan với bom đạn chiến tranh để dành tâm huyết cho công việc đầy ý nghĩa này. Với những người lính đã xả thân vì độc lập dân tộc, thế hệ hậu sinh phải đền đáp chứ không thể để họ phải chịu thiệt thòi.

Việt Hà – Nguyễn Hương
.
.
.