Ngư dân đoàn kết vươn khơi, bảo vệ lãnh hải Tổ quốc

Thứ Bảy, 12/05/2018, 07:45
Trước thông tin phía Trung Quốc ra thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn từ ngày 1-5 đến 16-8-2018 trên Biển Đông, kể cả Vịnh Bắc Bộ và những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì những ngày này, ngư dân khu vực miền Trung nước ta vẫn khí thế hiên ngang vươn khơi bám biển.


Những lá cờ Tổ quốc trên các tàu cá tung bay giữa ngư trường đã minh chứng cho sự đoàn kết bảo vệ lãnh hải Tổ quốc của ngư dân Việt Nam...

Từ đầu tháng 5 đến nay, ngư dân ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung liên tiếp có những chuyến ra khơi “trúng đậm” hải sản. Đặc biệt, tại nhiều vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên- Huế, số hải sản được đánh bắt từ ngư trường được thương lái thu mua với giá cao khiến ngư dân rất phấn khởi. Tờ mờ sáng 11-5, chúng tôi đến cảng cá Thừa Thiên-Huế (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đã có rất đông thương lái có mặt tại đây để chờ tàu cá từ khơi xa về cập bến.

Vừa thấy chiếc tàu cá TTH-90771.TS của ngư dân Nguyễn Văn Hiền, ở thị trấn Thuận An kéo còi chuẩn bị cập bờ, vợ và 3 người con của anh Hiền đứng trên cầu cảng khấp khởi vui mừng. Anh Hiền nói rằng, sau khi nghe thông tin phía Trung Quốc có thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn từ 12h ngày 1-5 đến 12h ngày 16-8-2018 trong biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến-Quảng Đông, kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều ngư dân ở địa phương rất bức xúc về hành động ngang ngược này.

Ngư dân Thừa Thiên-Huế phấn khởi khi tàu thuyền đánh bắt từ khơi xa trở về cập cảng đầy ắp hải sản.

Từ đầu tháng 5 đến nay, họ vẫn vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản trên vùng lãnh hải của Tổ quốc để chứng minh, không gì có thể ngăn cản họ ra khơi đánh bắt cá ở ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Và sau hơn 1 tuần bám biển, tàu cá 500CV của ngư dân Hiền cập bến với khoang tàu đầy ắp hải sản gồm các loại tôm, cá, mực, trong đó có không ít là cá  ngừ đại dương và các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. “Biển của nước mình thì mình vẫn bám biển để sản xuất, chứ không thể vì một thông báo ngang ngược của Trung Quốc mà sợ hãi, không ra biển”, anh Hoàng Hữu Văn, bạn thuyền của anh Hiền bày tỏ.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An trao đổi cho hay, do địa bàn thị trấn có rất đông ngư dân làm nghề biển nên sau khi Bộ NN&PTNT có công văn gửi các tỉnh, thành phố ven biển khẳng định việc Trung Quốc có thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị thì địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ngư dân trên địa bàn đoàn kết ra khơi bám biển, bảo vệ ngư trường.

“Hiện địa bàn thị trấn có đội ngũ tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nhì tỉnh Thừa Thiên- Huế với gần 200 chiếc công suất từ 400 đến 959CV, trong đó có 23 tàu vỏ gỗ và vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân bám biển nên từ đầu năm 2018 đến nay, sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân thị trấn đạt được 4.300 tấn, trong đó chỉ riêng tháng 4-2018 đạt 2.500 tấn. Đây là tín hiệu khởi sắc đối với địa phương…”, ông Đủ nói.

Tại các xã ven biển huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, những ngày này, hàng trăm ngư dân cũng đang cho tàu vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản và bảo vệ ngư trường. Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Trần Hòa (63 tuổi, ở làng chài Đông Hải, xã Lộc Trì) không giấu được sự phấn khởi khi nhờ “lộc biển” mà gia đình ông đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Cũng nhờ bám biển và biển không phụ lòng người nên ngoài chiếc tàu cá 600CV số hiệu TTH-95429, vợ chồng ông Hòa còn chung hàng trăm triệu đồng để đóng mới thêm 2 chiếc tàu cá vỏ gỗ công suất lớn theo Nghị định 67.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc có thông báo tạm ngừng đánh cá trong biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì ông Hòa bức xúc: “Đã bao đời nay, ngư dân mình thì sản xuất, đánh bắt hải sản ở ngư trường thuộc biển của nước mình, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục vươn khơi chứ không thể vì cái thông báo vô lý đó mà cho tàu thuyền nằm bờ được”.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, hiện toàn xã có gần 100 tàu cá, trong đó có 22 chiếc từ 400 đến dưới 800CV và 17 chiếc từ 800CV trở lên chuyên làm dịch vụ hậu cần biển tại vùng biển Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đặc biệt, nhờ nỗ lực vươn khơi mà nhiều ngư dân ở địa bàn xã đã đầu tư đóng mới những chiếc tàu vỏ gỗ cỡ lớn.

“Trong tháng 5 này, ngư dân ở xã sẽ tiếp tục hạ thủy thêm một chiếc tàu cá 1.000CV nữa. Nói vậy để cho thấy hoạt động vươn khơi bám biển của bà con ngư dân xã nhà chưa bao giờ dừng lại dù bất cứ thời điểm nào…”, ông Như khẳng định.

 Trước thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn trên vùng Biển Đông, kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam của Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc, cũng như các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động tàu cá trên biển; thông báo và động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam; đồng thời kêu gọi các ngư dân tổ chức thành đoàn đội để hỗ trợ lẫn nhau trong lúc vươn khơi bám biển để bảo vệ ngư trường của Tổ quốc.                     

Sáng 11-5, chúng tôi về biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), tàu thuyền cá của bà con ngư dân ở đây vẫn tấp nập ra khơi, vào lộng. Trở về sau chuyến đi biển dài ngày, ông Võ Hồng Tâm (51 tuổi, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt), chủ tàu cá vỏ thép công suất lớn, chia sẻ: “Biển dạo này khá được mùa cá tôm. Thuyền tui với 20 lao động, vươn khơi đánh bắt gần một tháng ở các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa nước ta, đã thu về được gần 15 tấn thủy sản các loại. Trong đó, nhiều nhất là cá thu và cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế rất cao.

Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi lao động cũng được hơn 30 triệu đồng. Riêng chủ tàu có gần 200 triệu để trả nợ đóng tàu cho ngân hàng”. Hỏi về việc phía Trung Quốc công bố thực hiện cấm đánh bắt cá có thời hạn từ 1-5 đến 16-8-2018, ông Tâm bức xúc và nêu quyết tâm cao: “Trung Quốc ra lệnh cấm biển là điều quá vô lí, vì đây là ngư trường truyền thống của ông cha ta từ ngày xưa để lại. Bà con ngư dân chúng tôi không vì cái gọi là công bố lệnh thực hiện kể trên của Trung Quốc mà nao núng, ngược lại càng quyết tâm hơn để vươn khơi, bám biển, giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước ta”.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay, những ngày qua, chính quyền, cơ quan chức năng và các đoàn thể địa phương luôn sát cánh động viên bà con ngư dân trên địa bàn tiếp tục vươn khơi bám biển, nâng cao tinh thần đoàn kết tổ, đội sản xuất, hỗ trợ nhau trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.(Thanh Bình)

Anh Khoa
.
.
.