Agribank gỡ khó cho “tàu 67” vươn khơi

Thứ Bảy, 12/08/2017, 08:52
Thời gian qua, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ đã hỗ trợ tích cực cho ngư dân, góp phần hình thành nên những đội tàu lớn hiện đại ra khơi bám biển ở những vùng biển xa.

Đóng vai trò chủ đạo và chủ lực trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank luôn là ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67, tích cực đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với nông dân và ngư dân.

Là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai cho vay theo Nghị định 67, Agribank cam kết sẵn sàng dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cho chương trình này. Tính đến tháng 6-2017, Agribank đã triển khai cho vay trên địa bàn 26 tỉnh ven biển với 549 khách hàng; cho vay đóng mới và nâng cấp là 505 tàu, trong đó đóng mới tàu dịch vụ hậu cần là 87 tàu, tàu khai thác là 330 tàu và nâng cấp là 88 tàu.

Tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng là 4.531 tỷ đồng, với dư nợ 3.836 tỷ đồng, trong đó 11 tỷ đồng là vốn lưu động. Tổng số tiền Agribank đã thực hiện cấp bù lãi suất cho khách hàng đến 31-12-2016 là 82.3 tỷ đồng, số phát sinh 6 tháng đầu năm 2017 là 90,4 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến 30-6-2017 là 172,7 tỷ đồng, không tính số dự thu hỗ trợ lãi suất.

Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị định 67 đã và đang phát huy hiệu quả là làm thay đổi bộ mặt các địa phương vùng ven biển về kinh tế, xã hội; từ nguồn vốn vay của Agribank đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại các địa phương ổn định cuộc sống, tạo ra những tài sản lớn; ngư dân bám biển nhiều hơn trên những con tàu công suất lớn, vừa có điều kiện làm giàu chính đáng, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Agribank là ngân hàng đi đầu trong thực hiện chủ trương cho ngư dân vay vốn đóng tàu bám biển.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 67 còn tồn tại nhiều vướng mắc như một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền địa phương do chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan đăng kiểm…), hay việc thực hiện quy định về thuế VAT của Bộ Tài chính vào thực tế cũng bị “vênh”, gây khó khăn.

Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan như đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được triển khai dẫn đến cảng cá nhiều địa phương chưa phù hợp để neo đậu các con tàu lớn. Ngư dân chưa được đào tạo do thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu kinh nghiệm đánh bắt xa bờ và vận hành tàu công suất lớn. Đấy là chưa kể, nhiều ngư dân đã sử dụng tàu chưa thực sự đúng mục đích và phạm vi hoạt động, thậm chí cho thuê lại dẫn đến rủi ro lớn và việc xử lý nợ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại các địa phương, một số ngư dân coi việc cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, do vậy nhiều ngư dân không chú trọng tính toán hiệu quả phương án, mà tìm mọi cách vay vốn theo chương trình này, kể cả qua trung gian, cò mồi...

Ngoài ra, một số tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường biển dẫn tới tàu cá đánh bắt gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đánh bắt do không bán được cho người tiêu dùng hoặc bị tư thương ép giá, đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của ngư dân nên khó khăn trong việc trả nợ vay của khách hàng.

Năm bắt những khó khăn này, Agribank đã kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành tháo gỡ, đẩy mạnh cho vay, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa tàu cá do Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, đây là một chính sách lớn, quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Do đó, để giải quyết các khó khăn cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các địa phương, các bộ, ngành để triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tham gia chương trình phát triển thủy sản theo Nghị định 67; tích cực phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng để nâng cao hiệu quả cho vay.

Ngoài ra, cần hướng dẫn kịp thời việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu đóng mới trong năm 2017 và các năm tiếp theo. Chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 67.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 để người dân biết và có trách nhiệm khi tham gia, chú trọng đến hiệu quả đầu tư, sử dụng tàu cá đúng mục đích, nhằm hạn chế tối đa rủi ro…

PV
.
.
.