Ngư dân Sóc Trăng bám biển vươn khơi

Thứ Năm, 08/04/2021, 08:32
Sóc Trăng có chiều dài bờ biển trên 72km với 3 cửa sông chính đổ ra Biển Ðông là Ðịnh An, Trần Ðề, Mỹ Thanh với ngư trường rộng, nguồn lợi thủy sản từ biển phong phú. Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau nông nghiệp, trong đó kinh tế biển Sóc Trăng gắn liền với cơ cấu kinh tế mũi nhọn từ nguồn lợi thủy sản nuôi trồng, đánh bắt, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân Sóc Trăng vẫn kiên trì bám biển vươn khơi, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong đánh bắt thủy sản…

Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc BQL Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng), cho biết đến nay, Sóc Trăng có 1.018 tàu cá với tổng công suất là 203.978 CV. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 366 chiếc được nâng cấp, đóng mới với trang thiết bị hiện đại, có thể bám biển dài ngày, số còn lại là tàu đánh bắt gần bờ. Ngư trường của ngư dân Sóc Trăng rộng trên 30.000km², là vùng biển phía Nam, từ Vũng Tàu đến Cà Mau. 

Tất cả các tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên ở trên biển, mỗi đợt đi kéo dài 4 tháng chứ không phải vài chục ngày như những năm trước đây vì đã có tàu dịch vụ chuyên chở sản phẩm đánh bắt vào cảng và chở nhiên liệu, hàng hóa phục vụ cho tàu đánh bắt trên biển. Từ đó thu nhập của ngư dân tăng cao hơn so với trước nên ngư phủ yên tâm đánh bắt.

Theo BQL Cảng cá Trần Đề, năm 2020, số tàu thuyền cập cảng là 14.751 lượt, số phương tiện vận tải qua cảng đạt 32.526 lượt (tăng 17% so với cùng kỳ), lượng hàng hóa qua cảng 160.403 tấn, trong đó hàng thủy sản đạt 88.156 tấn. Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới phương tiện tàu thuyền từ quỹ hỗ trợ phát triển; khắc phục được tình trạng khai thác thủy hải sản ven bờ, tăng sản lượng khai thác, đóng góp đáng kể cho tiêu dùng và xuất khẩu. 

Theo ông Phạm Văn Hứa, Sóc Trăng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho tàu đánh bắt xa bờ để phát huy khai thác tiềm năng biển, xứng đáng với thế mạnh thứ hai của tỉnh, vừa phát huy khai thác tiềm năng từ biển nhưng, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng) luôn tấp nập tàu thuyền cập bến.

Bên cạnh bám sát ngư trường, những năm qua, ngư dân Sóc Trăng luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác trên biển. Từ năm 2015 đến nay, chưa có tàu cá nào của tỉnh Sóc Trăng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. “Ý thức rõ việc vi phạm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cá Việt Nam, trực tiếp là thu nhập của ngư dân nên Sóc Trăng đã, đang nỗ lực chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EU; nhằm phát triển nghề cá một cách an toàn, bền vững, ổn định sinh kế cho hàng nghìn ngư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển”, ông Phạm Văn Hứa chia sẻ.

Các đơn vị chức năng thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ với các Đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 cùng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017. 

Đặc biệt là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho bà con ngư dân bằng rất nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác... Tại Cảng cá Trần Đề cũng đãthành lập Văn phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là tổ IUU). Đến nay, đã kiểm tra trên 4.000 lượt đối với tàu trên 15 mét (trên 90CV) cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Qua triển khai thực hiện, đến nay đa số chủ tàu đều đăng ký trước 1 giờ trước khi vào cảng. “Chúng tôi sẽ đối chiếu với danh sách tàu chống khai thác bất hợp pháp, nếu đủ điều kiện sẽ bố trí tàu để vào cảng neo đậu và lên xuống hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi bố trí cán bộ để theo dõi, giám sát việc hàng hóa tại cảng cá này của các chủ tàu. Sau khi lên hàng hóa xong, chúng tôi sẽ thu nhật ký khai thác và làm các thủ tục để xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp có nhu cầu”, ông Hứa thông tin thêm. 

Lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm tra 186tàu cátrong, ngoài tỉnh, phát hiện 31 tàu cá thiếu trang thiết bị an toàn, lập biên bản sự việc 16 trường hợp không mang theo hồ sơ đăng ký, đăng kiểm. Đồng thời tuyên truyền đến ngư dân và chủ tàu về việc lắp thiết bị giám sát hành trình; tính đến nay đã có 313/366 tàu lắp đặt thiết bị. Theo đó, khi tàu đánh giáp biên sẽ được cảnh báo từ hệ thống giám sát của Tổ IUU, giúp ngư dân kiểm soát được tàu đang ở tọa độ nào để kiểm tra trên thiết bị; góp phần quản lý tốt việc đánh bắt xa bờ của ngư dân.

Khai thác biển ở Sóc Trăng mỗi năm đạt trên 60.000 tấn hải sản, cung cấp cho hoạt động chế biến và thương mại của tỉnh. Sóc Trăng là 1 trong 28 tỉnh có biển và hoạt động đánh bắt xa bờ được xếp vào nhóm 15 cảng cá loại I của cả nước. Kinh tế biển cũng được xác định là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh trong xu thế phát triển tương lai. Vì vậy, thời gian tới, Sóc Trăng sẽ triển khai công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định một cách bài bản, quyết liệt hơn, lập lại trật tự trong công tác quản lý khai thác biển tại tỉnh này, thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá tỉnh nhà một cách an toàn, bền vững. 
Văn Đức – X.L
.
.
.