Ngộ độc thịt cóc, bé gái tử vong, em gái song sinh nguy kịch

Chủ Nhật, 03/06/2018, 17:06
Mặc dù đã được các bác sĩ của Khoa Cấp cứu chống độc – BV Nhi Trung ương chăm sóc suốt 3 ngày qua, nhưng bệnh nhi Nguyễn Thị V. (11 tuổi, Hòa Bình) vẫn đang phải điều trị tích cực do bị ngộ độc nặng sau khi ăn thịt cóc. Chị gái sinh đôi của bé do ăn nhiều và ngộ độc nặng hơn nên đã không qua khỏi.

Mẹ bé V. cho biết, 2  vợ chồng chị đi làm ăn xa, hai con gái sinh đôi phải để ở nhà cùng bà ngoại. Khoảng 8 giờ tối ngày 30-5, hai chị em bé Mây rủ nhau đi bắt cua và đã bắt được một con cóc, nên mang về tự nấu cho nhau ăn.

Sau khi ăn khoảng 2 tiếng cả hai chị em cùng bị nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bệnh nhi đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương.

Tại đây, mặc dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu, nhưng do ăn nhiều hơn em nên chị gái của bé V. đã không qua khỏi, còn bé V. được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé V. được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ. Các bác sĩ xác định bé bị ngộ độc có biến chứng rối loạn nhịp tim và đã tiến hành các biện pháp cấp cần thiết. May mắn, được điều trị đúng phác đồ, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện và đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.

TS.BS Lê Ngọc Duy – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa lành bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho con cháu.

Tuy thịt cóc không chứa độc tố, nhưng nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin – một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong như chị của bé V.

TS.BS Lê Ngọc Duy – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo

Các gia đình không nên ăn thịt cóc, đề phòng sơ suất khi chế biến. Nọc độc cóc có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc.Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng nên tránh sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn như ruốc cóc, thịt cóc, do không đảm bảo an toàn và vệ sinh. Tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Cảnh giác ngộ độc lá lộc mai (lá mọi) chữa... táo bón!

Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 2 trường hợp trẻ bị ngộ độc lá lộc mai trong tình trạng nguy kịch do tan mấu cấp dẫn tới thiếu máu trầm trọng. Ngày 24-5 khoa tiếp nhận bệnh nhi 1 tuổi ở Phú Thọ trong tình trạng da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, xét nghiệp huyết sắc tố hạ thấp và bilirubin máu toàn phần tăng cao. Bé được chẩn đoán ngộ độc lá lộc mai gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng và lập tức được truyền máu cấp cứu. Theo mẹ cháu bé kể lại thì cháu bị táo bón đã điều trị bằng men tiêu hóa không đỡ, nghe dân gian nói lá lộc mai chữa được táo bón nên mẹ bé đã hái về nấu cháo cho bé ăn. Kết quả ăn xong cháu xuất hiện đi tiểu màu đỏ, da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ.

BS của Khoa Cấp cứu chống độc cho biết, sau 4 ngày điều trị sức khỏe bé đã ổn định và được xuất viện. Tuy nhiên, Theo BS Lê Ngọc Duy thì lá lộc mại hay một số nơi gọi là “lá mọi” là lá của cây lộc mai mọc hoang dại. Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ và tác dụng tẩy khi dùng liều lớn, nhân dân một số nơi thường mách mau dùng lá này chữa táo bón, kiết lỵ. Nhưng nếu dùng một lượng lớn, có thể gây ngộ độc, thậm chí một số trường hợp không được cấp cứu kip thời còn dẫn đến tử vong.


Thanh Hằng - Trần Hằng
.
.
.