Nghiêm khắc xử lý vi phạm về thuốc lá

Thứ Bảy, 23/12/2017, 09:14
Trước tác hại khôn lường của thuốc lá, mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ môi trường sống của mình bằng cách từ bỏ thuốc, dám lên tiếng phản đối người hút thuốc lá vi phạm, người đứng đầu phải nghiêm khắc xử phạt người vi phạm…

Những đám khói nghi ngút liên tục bay lên, những thanh niên tay cầm điếu thuốc rít liên tục bên mâm rượu, trong khi đó, nhiều đứa trẻ ngồi cạnh  buộc phải hít thứ khói thuốc chết người. Vậy nhưng, không ai lên tiếng phê phán người hút. 

Ở nhiều nơi công cộng cũng vậy, người hút cứ hút, người khó chịu cứ khó chịu, chẳng mấy ai nghĩ đến quyền được sống trong môi trường trong sạch, không khói thuốc – vấn đề được quy định trong luật đã có hiệu lực nhiều năm nay.

Cần lên tiếng nhắc nhở

Trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhiều người nhà ngồi chờ đợi đến giờ được vào chăm người thân đang nằm viện. Sốt ruột và rảnh rỗi, một số người lấy thuốc lá ra hút, người bên cạnh thấy vậy cũng xin một điếu hút cùng. 

Trong khi đó, một số phụ nữ thì tỏ vẻ khó chịu với mùi khói thuốc lá nên nhăn mặt. Tuy nhiên, chẳng ai nhắc nhở những người kia không được hút thuốc. Phần vì họ ngại, không dám nhắc nhở người hút thuốc, phần bởi chính bản thân họ cũng không hề biết rằng, hút thuốc lá trong bệnh viện là hành vi bị cấm.

Mỗi người dân cần có ý thức loại trừ tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường.

Tại một cơ sở y tế dự phòng ở Hà Nội có nhiều cặp bố mẹ đưa con đi tiêm phòng. Vì quá đông nên các em bé phải xếp hàng chờ khá lâu. Trong lúc các bà mẹ ôm con xếp hàng tiêm phòng thì các ông bố chờ đợi bên ngoài, người ngồi trên xe máy, người ngồi trong khuôn viên chờ đợi. 

Và, cũng giống như ở một số cơ sở y tế khác, các ông bố lại mang thuốc lá ra hút mà không quan tâm đến những người xung quanh. Thậm chí, trong lúc chờ đợi, có em bé còn chạy ra đùa nghịch với bố. Trong khi đó, ông bố tay cầm điếu thuốc, tay ôm con.

Tôi đến bên một bà mẹ trẻ đang nhăn nhó vì hít phải khói thuốc và hỏi: “Sao em không nhắc anh kia dừng hút thuốc?”. Cô trả lời: “Em có quen anh ta đâu. Em mà nhắc, biết đâu anh ta cáu, lại bảo em đi chỗ khác thì càng ngại? Tốt nhất là chịu đựng một tí chị ạ”. 

Chọn cách im lặng là quan điểm của nhiều người khi được hỏi về việc chứng kiến người khác hút thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên, cách đó được coi là chấp nhận sống chung với tử thần hoặc vô hình trung chúng ta đã công nhận sự tồn tại của thứ khói độc hại trong môi trường sống. 

Bởi thế, mỗi người dân khi chứng kiến người hút thuốc lá công cộng, đặc biệt là hút thuốc ở nơi đã bị cấm thì phải lên tiếng nhắc nhở để người nghiện thuốc lá có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống an toàn cho người xung quanh. 

Đề cao vai trò người đứng đầu

Theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, tại cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. 

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng (trừ một số trường hợp quy định cụ thể). Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoàn toàn bao gồm: Ôtô, tàu bay, tàu điện.

Do nhiều người hút thuốc chưa có ý thức, và do người dân chưa thực sự mạnh dạn lên tiếng nhắc người hút thuốc nên vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá chính là người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị. Bởi vậy, Điều 14 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá. 

Theo đó, người đứng đầu có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Quy định của pháp luật đã rõ ràng như vậy, nhưng để thực hiện được trên thực tế còn rất nhiều khó khăn. Khảo sát ở một số địa điểm cấm hút thuốc lá, chúng tôi nhận thấy hầu hết các cơ sở đều treo biển chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá đầy đủ. Tuy nhiên việc xử phạt thì hầu hết chưa thực hiện, mọi hành vi vi phạm đều chỉ được nhắc nhở, tính răn đe chưa cao.

Trước tác hại khôn lường của thuốc lá, mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ môi trường sống của mình bằng cách từ bỏ thuốc, dám lên tiếng phản đối người hút thuốc lá vi phạm, người đứng đầu phải nghiêm khắc xử phạt người vi phạm… Có vậy, người dân mới mong được hít thở không khí trong lành, bảo vệ sức khỏe và tránh nguy cơ đáng tiếc đã được cảnh báo.

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng,
chống tác hại của thuốc lá:

1. Được sống trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

(Điều 7 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá)

N.M.Đức
.
.
.