Ngày xuân - cảnh giác với rượu giả

Thứ Sáu, 05/02/2016, 18:59
Nếu không may mua phải một chai rượu ngoại rởm biếu sếp thì bên cạnh hậu quả tai hại về sức khỏe gây ra cho người uống, có thể, còn làm mất đi tấm thịnh tình mà người biếu muốn gửi gắm. Vậy nên, khi chọn mua rượu cần hết sức thận trọng.


Cứ vào cận kề Tết, tại các cửa hàng kinh doanh rượu, số lượng người mua tăng vọt. Mua để tiếp khách trong ngày Tết, mua để biếu bạn bè, người thân, đặc biệt là những chai rượu ngoại đắt tiền mua để biếu sếp, biếu đối tác làm ăn… Đây cũng là thời điểm những chai rượu ngoại rởm được tung ra thị trường nhiều hơn, nhằm trà trộn với rượu thật. Nếu không may mua phải một chai rượu ngoại rởm biếu sếp thì bên cạnh hậu quả tai hại về sức khỏe gây ra cho người uống, có thể, còn làm mất đi tấm thịnh tình mà người biếu muốn gửi gắm. Vậy nên, khi chọn mua rượu cần hết sức thận trọng.

Còn nhớ Tết năm ngoái, chúng tôi chứng kiến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch mai (Hà Nội) tiếp nhận 2 ca ngộ độc rượu ngoại khá nặng. Về sau, hai bệnh nhân này khi qua cơn nguy kịch đã cho biết, do tin tưởng là rượu ngoại thật nên các anh uống nhiều hơn mức bình thường, vì nghĩ rượu ngoại uống "êm", không nhức đầu, nhưng ngờ đâu uống phải rượu giả. Còn theo một bác sĩ có ca trực hôm đó cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết thì hầu như ngày nào Trung tâm cũng đón nhận bệnh nhân ngộ độc vì uống phải rượu rởm. Trước thực trạng này, đã có người không dám sử dụng rượu ngoại. Vậy có bao nhiêu rượu ngoại giả đang lưu hành trên thị trường?

Hiện nay, chưa thấy có một cơ quan nào đưa ra con số cảnh báo về số lượng rượu ngoại giả trên thị trường, nhưng theo thông tin từ một cán bộ có trách nhiệm của Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, thì có tới 98% rượu ngoại ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) là giả. Vào dịp cuối năm, tình trạng buôn bán, sản xuất và tiêu thụ hàng giả tăng đột biến, trong đó rượu ngoại giả là nguy cơ hiện hữu nhất, bởi đây là mặt hàng dễ làm giả, dễ tiêu thụ, lại có giá trị cao.

Cơ quan chức năng tịch thu hàng ngàn chai rượu giả ở Hà Nội.

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang Quách Ngân Giang, trú tại  phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, đang vận chuyển 48 chai rượu giả nhãn mác Chivas Regal Aged 12 years. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Giang và vợ là Trần Thị Thanh Hoa, cơ quan Công an thu giữ 19 chai rượu giả nhãn mác Chivas và Black Blended Whisky, cùng 68 vỏ chai dán nhãn mác 2 loại rượu ngoại nêu trên. Đấu tranh với vợ chồng Giang, Hoa, hai đối tượng này khai đã "xuất xưởng" 88 chai rượu giả nhãn hiệu Chivas từ tháng 6-2015 đến khi bị bắt. Kiểm tra số rượu được bán tại các cửa hàng rượu ngoại mà vợ chồng Giang, Hoa tiêu thụ ở TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và 3 cửa hàng tại Hà Nội, cơ quan Công an thu giữ hơn 300 chai rượu nghi giả nhãn mác Chivas 12, Chivas 18, Chivas 21, Ballantines, Macallan…

Trước đó, Công an TP Pleiku, tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất nhà đối tượng Nguyễn Thái Hào, trú tại đường Tôn Thất Tùng, phường Phù Đổng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản thu giữ 108 chai rượu giả nhãn hiệu Chivas, 10 thùng rượu giả nhãn mác Wall Street, 6 thùng rượu vang giả nhãn Pilot, 3 thùng rượu giả nhãn hiệu Whisky Golden Label, 10 thùng rượu giả nhãn hiệu Vodka… cùng hơn 600 vỏ chai và gần 2 nghìn tem nhãn giả các loại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc sản xuất rượu ngoại giả đã trở nên tinh vi hơn cả về hình thức, lẫn chất lượng rượu bên trong. Ít còn  kiểu mua cồn với phẩm màu cho vào rượu giả, gây ngộ độc tức thì cho người sử dụng, mà việc xác định thật - giả đôi khi chỉ những người uống quen hay sành rượu mới phân biệt được. Còn về hình thức thì với công nghệ làm tem, nhãn tinh vi, mắt thường rất khó phân biệt. Lực lượng quản lý thị trường muốn phát hiện tem rượu giả phải sử dụng tia cực tím hoặc đem giám định chất lượng rượu. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao rượu giả xuất hiện nhiều trên thị trường.

Theo khai nhận của Nguyễn Thái Hào, đồ nghề để sản xuất rượu ngoại giả rất đơn giản, chỉ cần có máy bấm keo, một chiếc ruột bút bi, một chiếc dao hai lưỡi, ít chất tạo màu và một vài loại rượu kết hợp là có thể "chế biến được". Phương pháp của Hào là pha chế rượu Hankey với Wall Street, một phần rượu Vodka là thành rượu Chivas. Nếu là Chivas 12 thì cho ít rượu Hankey, còn Chivas 18, 21 thì tăng lượng rượu này lên. Số rượu giả sau khi pha chế sẽ  được rót vào vỏ chai Chivas thật. Các đối tượng dùng sợi dây đàn kéo viên bi lên miệng chai, sau đó từ từ chế rượu giả vào; tiếp đó, dùng ruột bút bi ép vào nắp để tạo vân, đóng nút, dán tem giả lên là có thể đem đi bán. Mỗi chai rượu giả như vậy, Hào chi phí khoảng 500 ngàn đồng, nhưng bán ra từ 1 đến 5 triệu đồng.

Theo Trung tá Giáp Thành Trung, Đội trưởng Đội chống hàng giả - sở hữu trí tuệ - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết: Các đối tượng làm rượu ngoại giả tổ chức thu mua vỏ chai rượu ngoại thật, còn nút thì đặt hàng tại Trung Quốc. Khác với cách  "pha chế" rượu giả của Nguyễn Thái Hào là  trộn lẫn các loại rượu với nhau, có thể gây "xung đột" giữa các loại rượu, gây "sốc", khó uống,  thì các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc  lại chỉ sử dụng một loại rượu, thường là các loại rượu do Lào sản xuất. Trong vụ án làm rượu ngoại giả của vợ chồng Quách Ngân Giang, Trần Thị Thanh Hoa, để "sản xuất" một chai Chivas, vợ chồng Giang - Hoa mua rượu Black Lào, chỉ với 50.000đ/chai, đổ vào vỏ chai rượu Chivas thật, thế là có thể bán ra thị trường cao gấp 20 đến 30 lần so với chi phí. Tương tự, cũng có rất nhiều loại rượu của Lào khác như Whisky, Black Lion Whisky, Whisky vàng…, giá chỉ từ 50 ngàn đến 130 ngàn đồng/chai, có thể lấy rượu đổ vào chai rượu ngoại xịn để đánh lừa người tiêu dùng. Tinh vi hơn, các đối tượng có thể lấy rượu từ chai Chivas 12 thật, nhưng "nâng đời" bằng cách đổ vào các vỏ chai Chivas 18, 21, rất khó phát hiện. Trung tá Giáp Thành Trung cho biết, đại bộ phận các cửa hàng biết là rượu ngoại giả, nhưng vẫn cố tình tiêu thụ vì lợi nhuận cao.

Rượu ngoại giả bị phát hiện. Ảnh: CTV

Rượu ngoại là mặt hàng  kinh doanh có điều kiện. Để tránh mua phải rượu ngoại giả, người tiêu dùng cần lựa chọn những cửa hàng có giấy phép kinh doanh mặt hàng rượu ngoại. Đồng thời, tham khảo những kiến thức cần thiết để tự phân biệt rượu thật, rượu giả, tránh mua phải đồ rởm vừa mất tiền, vừa có thể mang họa cho gia đình, bạn bè và người thân khi sử dụng phải rượu giả. Tuy nhiên, dù là rượu ngoại thật 100%, cũng không nên uống nhiều, có hại cho sức khỏe. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

 Để "sản xuất" một chai Chivas, vợ chồng Giang - Hoa mua rượu Black Lào, chỉ với 50.000đ/chai, đổ vào vỏ chai rượu Chivas thật, rồi bán ra thị trường cao gấp 20 đến 30 lần so với chi phí”.

Trung tá Giáp Thành Trung

Nhằm tránh mua phải rượu ngoại giả, xin thông tin tới bạn đọc một số kinh nghiệm sau: Về mặt hình thức, chú ý tem chống hàng giả dán trên chai rượu. Như ở loại rượu Chivas đã có tem in laser bằng máy in đặc chủng. Đây là loại tem vỡ, không bóc tách, tái sử dụng được. Khi thấm nước lên hai phần đầu tem, tên sản phẩm sẽ biến mất, nước khô, tem trở lại trạng thái bình thường. Khi sử dụng bút dạ quang phổ thông bôi lên, hoặc chiếu ánh đèn huỳnh quang vào phần trắng của tem sẽ hiện tên thương hiệu chìm. Quan sát mã số trên nhãn sau của chai và trên guarantee đầu chai phải trùng khớp nhau. Lắc chai rượu thật bọt khí rất mịn và đều.
Đào Minh Khoa
.
.
.